Thứ sáu, 09/02/2018 11:05 GMT+7

Sức trẻ trong nghiên cứu khoa học

Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên Việt Nam đã và đang nêu cao tinh thần "Tiên phong - Bản lĩnh - Ðoàn kết - Sáng tạo", nỗ lực phát huy sức trẻ trong nghiên cứu, nuôi dưỡng niềm đam mê tìm tòi, khám phá khoa học, góp phần phục vụ cộng đồng, đưa nền KH&CN của đất nước lên tầm cao mới.


Các nhà khoa học trẻ được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng KH&CN thanh niên "Quả cầu vàng" năm 2017

 

Niềm đam mê vật liệu mới trong y học

12 giờ đêm, căn phòng thí nghiệm của Phòng Ăn mòn và bảo vệ kim loại (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) vẫn sáng đèn. Ðó là "ngôi nhà thứ hai" của TS Phạm Thị Năm, thành viên chính của ba đề tài cấp Nhà nước đã được nghiệm thu, chủ nhiệm và thành viên chính của nhiều đề tài cấp Bộ, công trình nghiên cứu, bài báo khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài...

Sở hữu một bề dày thành tích trong khoa học, nhưng ít ai biết rằng, nữ TS Phạm Thị Năm sinh năm 1986 vốn là "tay ngang" trong lĩnh vực nghiên cứu. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, chị Năm từng nghĩ mình sẽ gắn bó suốt đời với nghiệp "gõ đầu trẻ". Thế nhưng, mối duyên với khoa học đã đưa chị về công tác ở Viện Kỹ thuật nhiệt đới, để rồi "bén duyên" với lĩnh vực vật liệu vi sinh lúc nào không hay. Ngày nào chị cũng dậy thật sớm đến phòng thí nghiệm và chỉ về nhà sau 9 giờ tối, thậm chí có lúc, thí nghiệm mãi chưa ra kết quả ưng ý, chị ở lại cơ quan làm việc tới sáng hôm sau.

Khi mới "vào nghề", do là nhà nghiên cứu trẻ chưa có vị trí trong giới khoa học, cho nên việc đi xin kinh phí hỗ trợ đề tài với chị là rất khó. Cơ sở vật chất, máy móc thiết bị nghiên cứu lại thiếu thốn, chị thường xuyên phải đợi đến cuối buổi mới có thiết bị làm việc. Nhiều lúc máy không có, nhưng công trình lại không thể trì hoãn thêm, chị đành phải sang thí nghiệm nhờ các đơn vị khác hoặc gửi ra nước ngoài. Trong suốt bảy năm trời nghiên cứu vật liệu vi sinh, đã có nhiều lần chị Năm tiến hành tới cả trăm thí nghiệm mà vẫn thất bại. Và cũng có những lúc chị muốn buông xuôi tất cả để trở lại với nghề giáo. Nhưng vì tình yêu với khoa học, chị lại tự động viên, tự nhủ "chỉ còn một chút nữa thôi!"...

Cứ như vậy, chị Phạm Thị Năm dành cả tuổi thanh xuân để nuôi dưỡng ước mơ về những loại vật liệu mới có ích cho cộng đồng. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2015, chị đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu ba đề tài cấp Nhà nước với kết quả nghiệm thu rất khả quan. Trong đó, chị tâm đắc nhất với đề tài "Nghiên cứu tính chất, hình thái cấu trúc vật liệu tổ hợp polyaxit lactic/nanohydroxyapatit có và không có chất tương hợp định hướng ứng dụng trong y sinh", theo đó góp phần tạo ra vật liệu y sinh mới với khả năng phân hủy sinh học, ứng dụng làm nẹp vít thay thế xương trong y sinh. "Ước mơ lớn nhất của tôi là trong tương lai, vật liệu mới mà chúng tôi đang theo đuổi sẽ có thể ứng dụng rộng rãi, giúp người bệnh bị gãy, hỏng xương phục hồi nhanh hơn, tốn ít chi phí chữa bệnh hơn so với các phương pháp hiện nay", chị Năm tâm sự.

Ứng dụng dự báo bệnh mạn tính

Từ trước tới nay, việc đánh giá hiệu quả điều trị hoặc dự phòng bệnh tật thường bị bó hẹp trong những khoảng thời gian ngắn và chỉ có thể áp dụng trong từng trường hợp bệnh lý cụ thể. Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu cho thấy: nguy cơ mắc các bệnh mạn tính tác động qua lại với nhau và liên quan mật thiết đến tình trạng sức khỏe, các hành vi, lối sống của mỗi người. Nói cách khác, bệnh mạn tính nguy hiểm bởi nó thường được hình thành do những thói quen sớm của người bệnh và có tác động kéo dài trong suốt cuộc đời. Nếu có thể đưa ra những mô hình dự báo, mô phỏng các nguy cơ cũng như khả năng mắc bệnh tại từng lứa tuổi dựa trên các đặc điểm của từng người, sẽ là một sự tiến bộ không nhỏ của nền y tế nước nhà. Bởi qua đó, các bác sĩ có thể xác định được các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất đối với từng người bệnh, giúp kiểm soát, phòng ngừa bệnh tật cho người dân tốt hơn.

Với những phát hiện đó, PGS Trần Xuân Bách, Giảng viên cao cấp tại Viện Ðào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường đại học Y Hà Nội) đã xây dựng mô hình dự báo nguy cơ mắc các bệnh mạn tính trong suốt vòng đời dựa trên các đặc điểm của người bệnh. "Mô hình này cho phép dự đoán nguy cơ mắc khoảng 20 loại bệnh mạn tính của người trưởng thành. Nhờ đó, các bác sĩ sẽ có hướng can thiệp dự phòng sớm, tìm ra liệu pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh. Phương pháp này về lâu dài hoàn toàn có thể triển khai thành những thuật toán nhằm xây dựng trí tuệ nhân tạo, trở thành các ứng dụng y tế trên thiết bị di động thông minh", PGS Trần Xuân Bách cho biết.

Trong quá trình "thai nghén" mô hình, PGS Trần Xuân Bách đã nghiên cứu dữ liệu sức khỏe trong suốt 20 năm của khoảng 17 nghìn người dân. Từ đó, phát triển các mô hình kinh tế lượng cho phép tính toán, phân tích những nguy cơ phát triển 20 tình trạng bệnh mạn tính dựa trên các đặc điểm của từng người. Theo PGS Trần Xuân Bách, những phân tích này cho phép các bác sĩ dự báo một cách chính xác phương pháp can thiệp, điều trị hiệu quả ở thời điểm tốt nhất trong vòng đời của người bệnh.

Cho đến thời điểm hiện tại, mô hình đã được áp dụng để ước tính chi phí cũng như hiệu quả của các chương trình phòng ngừa béo phì ở trẻ em, được công bố trên tạp chí khoa học nước ngoài uy tín PLOS One. "Tôi đang phát triển các thuật toán của mô hình để áp dụng trên số liệu quần thể người Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, những thông tin này sẽ giúp tăng cường hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân thông qua các ứng dụng y tế điện tử với trí tuệ nhân tạo".

Cơ hội cho người bệnh thoát vị đĩa đệm

Mới đây, các bác sĩ trẻ Viện Chấn thương chỉnh hình và Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt - Ðức đã trình diễn hai ca mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng kỹ thuật mổ nội soi cột sống cổ phía trước. Phương pháp này là kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đã được áp dụng tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Ðức, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Ở nước ta trước đây, đối với những người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, các bác sĩ thường phải phẫu thuật bằng phương pháp thông thường như thay đệm nhân tạo hoặc lắp vít, ghép xương... thời gian nằm viện kéo dài, đồng thời gia tăng tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật. Trong khi đó, phẫu thuật nội soi cột sống là xu hướng phát triển của thế giới bởi nó giúp người bệnh phục hồi nhanh, ít gây biến chứng. Không những vậy, người bệnh được áp dụng kỹ thuật này chỉ phải nằm viện từ một đến hai ngày là có thể xuất viện. "Quan trọng hơn cả là phương pháp mới này chỉ can thiệp phần bệnh lý của cột sống. Do đó, giữ nguyên được phần lành, bảo tồn được cấu trúc giải phẫu cũng như chức năng cột sống", PGS.BS Ðinh Ngọc Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống (BV Hữu nghị Việt - Ðức) cho biết.

Ðể làm được điều này, các y, bác sĩ của Khoa không chỉ dày công nghiên cứu, tìm hiểu các kỹ thuật mới, mà còn luôn phải thận trọng, tỉ mỉ trong áp dụng vào thực tế điều trị người bệnh tại Việt Nam. Phẫu thuật nội soi cột sống cổ phía trước chỉ là một trong rất nhiều thành tựu y tế mà các bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật cột sống áp dụng thành công. Ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 2007, Khoa Phẫu thuật cột sống đã ứng dụng thành công công nghệ điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần, kỹ thuật mổ nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, cột sống cổ... Chỉ trong 5 năm trở lại đây, với đội ngũ y, bác sĩ trẻ, nhiệt huyết, Khoa đã triển khai thành công hơn 20 kỹ thuật mổ cột sống hiện đại hàng đầu thế giới như: Phẫu thuật nội soi lấy nhân thoát vị cột sống cổ, thắt lưng; phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ, thắt lưng; tạo hình đốt sống bằng bơm xi-măng có bóng; phẫu thuật chỉnh hình gù vẹo và các dị tật cột sống bẩm sinh của trẻ em… Ðặc biệt, từ năm 2012, Khoa đã trở thành đơn vị đầu tiên tại khu vực Ðông - Nam Á áp dụng kỹ thuật cố định cột sống bằng rô-bốt định vị. Ðến nay, đã có hơn 500 người bệnh được phẫu thuật thành công bằng phương pháp nêu trên.

Tiếp cận với những cơ hội lớn từ quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam nắm trong tay nguồn nội lực lớn nhằm góp phần đưa con thuyền đất nước đến với những bến bờ mới của nền văn minh nhân loại. Nội lực đó có một phần không nhỏ công sức của các nhà nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ - lực lượng nòng cốt kiến tạo, xây dựng nền KH&CN tương lai. Các nhà khoa học trẻ luôn khao khát, đam mê và kiên trì theo đuổi ý tưởng nghiên cứu, phục vụ cộng đồng bất chấp bao khó khăn về cơ chế, về tài chính, về điều kiện nghiên cứu khoa học...

Theo các số liệu thống kê của Ðại học quốc gia Hà Nội và Bộ KH&CN, các trường đại học trên cả nước hiện cung cấp tới hơn 90% số nhân lực cho ngành KH&CN. Thế nhưng, đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2011-2015 chỉ vào khoảng 1,7% ngân sách nhà nước, tương đương 0,4% GDP, thấp hơn so nhiều nước trong khu vực. Trên bình diện quốc gia, việc chưa quan tâm, chưa có chính sách đầu tư cho những nhà khoa học trẻ chính là lực cản đối với tiến trình đi tới những mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nghiên cứu khoa học trẻ có tiềm năng, cần tháo gỡ những vướng mắc về phương tiện, trang thiết bị, kinh phí nghiên cứu cũng như chế độ đãi ngộ; tạo môi trường nghiên cứu khoa học kích thích sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như có chính sách phù hợp gắn kết nghiên cứu - chuyển giao, ứng dụng, sản xuất một cách hiệu quả. Ðó cũng là hướng giúp các nhà khoa học trẻ có thể chuyên tâm nghiên cứu, sáng tạo đóng góp trí tuệ của mình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển đất nước.


Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35505802-suc-tre-trong-nghien-cuu-khoa-hoc.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 5495

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)