Việt Nam và cơ hội lớn tại FP7

Thứ sáu, 17/07/2009 08:53 GMT+7
Chương trình Khung (Framework Programme - FP) là công cụ chủ yếu của Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho nghiên cứu và phát triển. FP7 của EU giai đoạn 2007-2013 là chương trình nghiên cứu lớn nhất của châu Âu từ trước đến nay, với tổng kinh phí...

EU đẩy mạnh FP tại Việt Nam

Theo ông Sean Doyle, ASEAN là một khu vực có tầm quan trọng chiến lược với cộng đồng châu Âu. Đây là nơi có nhiều đối tác kinh tế, nhiều cơ hội cho việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (như trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển nông thôn….), hỗ trợ phát triển môi trường bền vững và hợp tác nghiên cứu - điểm mấu chốt trong các FP. Gần đây, có khoảng 79 chương trình hợp tác tại khu vực ASEAN. Trong đó, Việt Nam đứng đầu với 24 chương trình. Việt Nam chắc chắn là thành viên tiềm năng nhất trong các thành viên ASEAN đối với EC. EC đánh giá Việt Nam là thành viên nòng cốt của ASEAN, đóng vai trò như một ví dụ tiêu biểu trong hợp tác nghiên cứu liên lục địa cho các thành viên khác của ASEAN và là một nhân tố tích cực thúc đẩy mối quan hệ ASEAN - EU trong một số lĩnh vực.

Ông Sean Doyle cũng đánh giá cao các nhà khoa học Việt Nam. Theo ông, các nhà khoa học Việt Nam đã đóng góp tích cực vào công tác nghiên cứu, đem lại lợi ích cho cả châu Âu và Việt Nam, và cả thế giới nói chung. Những đóng góp của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, môi truờng, y tế đã giúp các cơ quan thi hành chính sách và các viện nghiên cứu được trang bị những thành tựu công nghệ mới nhất. Điều này rất quan trọng với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Ông cho rằng, các nhà khoa học Việt Nam là những đối tác rất có khả năng trong các chương trình hợp tác nghiên cứu. Họ đã có những cống hiến cho nghiên cứu và đem lại nhiều lợi ích cho cả người Việt Nam và châu Âu. EC mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các nhà khoa học Việt Nam tham gia trong các FP. Hiện nay, EC đang kết hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ khoa học và Công nghệ (KH&CN) xúc tiến triển khai FP7 tại Việt Nam. Tháng 5.2009, Hội thảo quốc tế ASEAN - EU về xây dựng đề xuất dự án cho FP7 đã được tổ chức thành công tại Hà Nội và sắp tới sẽ triển khai giới thiệu về FP7 tại một số tỉnh/thành phố trên cả nước. Thông qua sự hợp tác này, các nhà khoa học ở hai khu vực sẽ có cơ hội làm việc cùng nhau, cơ hội chia sẻ thông tin cũng như kết quả nghiên cứu. Điều quan trọng hơn mà cả Việt Nam và EU mong muốn là thông qua FP7, cộng đồng KH&CN hai khu vực được kết nối chặt chẽ hơn.

Những cơ hội cho Việt Nam tại FP7

Khác với các FP trước đó chỉ kéo dài 5 năm, FP7 là một chương trình nghiên cứu lớn nhất của châu Âu từ trước đến nay với tổng kinh phí đầu tư gần 54 tỷ euro và thời gian kéo dài đến 7 năm (2007-2013). Sự thay đổi này phản ánh sự ưu tiên cho nghiên cứu ngày càng cao hơn trong chính sách của EU. Nhân tố lõi của FP7 là chương trình hợp tác cụ thể với ngân sách khoảng 32,4 tỷ Euro. Ngân sách này sẽ thúc đẩy sự cộng tác của EU và nghiên cứu quốc tế thông qua các chương trình đồng tài trợ của EC trong những lĩnh vực ưu tiên như: Y tế, nông nghiệp, công nghệ sinh học, thông tin và truyền thông, công nghệ nano, nguyên liệu và các công nghệ sản xuất mới, năng lượng, môi trường (bao gồm cả thay đổi khí hậu), giao thông (bao gồm cả công nghiệp hàng không), khoa học xã hội và nhân văn, vũ trụ và an ninh.

Trong các FP, Việt Nam là nước thụ hưởng quan trọng thứ 3 ở châu Á với 42 dự án đa phương, có tổng giá trị 26 triệu euro. Trong FP6 đã có 50 nhà khoa học Việt Nam tham gia, làm việc với 141 đối tác đến từ 18 quốc gia thành viên EU và số kinh phí mà cộng đồng KH&CN Việt Nam thụ hưởng là khoảng 3 triệu USD.

Trong FP6, Việt Nam đã tham gia 20 dự án trên tổng số 168 dự án đề xuất, chiếm 11,9%. Đây chỉ là mức trung bình của Việt Nam trong FP6. Trong FP7, số lượng các dự án do Việt Nam đề xuất thành công chiếm 31%, cao hơn hẳn các nước ASEAN khác như: Malaysia 11%, Thái Lan 20%, Philippin 24%. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển KH&CN, đồng thời minh chứng cho sự sẵn sàng tuyệt đối của Việt Nam tiếp tục tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế gia tăng.

FP7 sẽ là một cơ hội mới cho Việt Nam để đóng góp những nghiên cứu của mình và hưởng lợi ích từ tri thức châu Âu và các đối tác trên toàn thế giới. Nó có thể cung cấp cho Chính phủ Việt Nam những công cụ để có thể trưởng thành nhanh hơn và cung cấp những dịch vụ xã hội mới cao hơn. Ví dụ như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông, qua đó có được những lợi ích song phương từ các đối tác. Thuận lợi ở đây có thể là sự hỗ trợ tích cực từ phía các tổ chức, thể chế, mạng lưới viện Pasteur toàn cầu, mối quan hệ thân cận giữa các nhà khoa học đã từng làm việc với nhau trong các nghiên cứu cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn thực thi các FP. Theo ông Sean Doyle, Việt Nam có thể thành công trong việc nghiên cứu ở các lĩnh vực như: Y tế, môi trường và năng lượng. Những lĩnh vực này phản ánh rõ ràng nhu cầu cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Hơn nữa, những lĩnh vực này đồng bộ với chiến lược của EC đối với Việt Nam. Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam nên tập trung vào xác định các chính sách để cung cấp dịch vụ y tế cho tầng lớp có thu nhập thấp, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phòng trừ dịch bệnh. Về môi trường, quản lý chất thải và thay đổi khí hậu liên quan đến khí CO2 phải là trọng tâm. Cuối cùng, Việt Nam cần phải đáp ứng nhu cầu về năng lượng như một đòi hỏi tất yếu của phát triển kinh tế và phải giảm thiểu tối đa tác hại tới môi trường, đặc biệt thông qua việc sản xuất và tiêu thụ sạch hơn, sử dụng năng lượng tái chế.

Ông Sean Doyle cũng khẳng định, châu Âu sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam thông qua đối thoại chính sách, trợ giúp phát triển và hợp tác về KH&CN.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img