Việt Nam hiện là nước đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu tinh bột sắn với sản lượng tinh bột sắn xuất khẩu hàng năm khoảng 1,2 triệu tấn và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, công nghiệp dệt may, hóa chất, dược phẩm,…nhu cầu sử dụng tinh bột sắn cũng như các sản phẩm từ sắn tăng lên mạnh mẽ.
Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn VănThành cùng với cơ quan chủ quản Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đã cùng hợp tác để đưa ra giải pháp xây dựng đề tài “Nghiên cứu, tính toán, thiết kế, chế tạo mô hình mẫu máy ép bã sắn kiểu kết hợp trống - băng tải” nhằm tận thu nguồn phụ phẩm tăng lợi ích kinh tế cho nhà máy cũng như giải quyết vấn đề tồn đọng bã, bảo vệ môi trường xung quanh nhà máy chế biến tinh bột sắn, góp phần phát triển bền vững cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn nói riêng cũng như của ngành công nghiệp chế biến tinh bột của Việt Nam nói chung.
Trong thời gian thực hiện, nhóm đề tài đã nghiên cứu, tìm hiểu tình hình sản xuất tinh bột sắn trên thế giới và Việt Nam; nghiên cứu tìm hiểu các phương pháp ép bã và nhu cầu sử dụng bã sắn, từ đó đưa ra được nguyên lý ép phù hợp.
Đã tính toán, thiết kế và chế tạo được thiết bị ép bã kiểu trống băng, năng suất ép 3500 kg nguyên liệu/giờ (tương ứng 1000 kg sp/giờ).
Tiến hành khảo nghiệm thiết bị với nguyên liệu đầu vào là bã sắn được lấy từ các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Thanh Sơn - Phú Thọ và Yên Thành - Nghệ An. Tiến hành thay đổi một số thông số của thiết bị để tìm ra được chế độ công nghệ phù hợp nhất, kết quả thu được như sau: Thiết bị hoạt động ổn định liên tục; độ ẩm sản phẩm thu được đúng như mong muốn, đạt 65,93% ứng với bề dày cấp liệu là 11mm, vận tốc trống ép là 2 vòng/phút. Năng suất thiết bị đạt 3681kg nguyên liệu/giờ (ứng với sản phẩm đầu ra đạt 1080kg/giờ);
Đã chứng minh sơ bộ được lợi ích mang lại nếu xây dựng được mô hình ép bã quy mô lớn ứng với nhà máy chế biến tinh bột sắn năng suất 100 tấn sp/ngày đêm: tăng giá trị của nguồn bã thải; giảm chi phí vận chuyển; giảm lực lượng lao động cho công đoạn xử lý bã, cụ thể: giảm từ 70 lao động xuống còn 18 lao động; chi phí nhân công giảm đi khoảng 74%.
Kết quả thu được của đề tài là khá tốt, thiết bị hoàn toàn có thể ứng dụng vào sản xuất. Đây có thể là tiền đề để xây dựng một hệ thống ép bã quy mô công nghiệp phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu trong nước hiện nay.
Có thể tìm đọc toàn văn nội dung đề tài với mã số 11236 tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.