Thứ hai, 13/06/2016 17:01 GMT+7

Cắt mạch bức xạ Xanthan và khả năng nâng cao hiệu suất phân bón lá của Xanthan xử lý chiếu xạ

Phân bón có vai trò hết sức quan trọng đối với tăng năng suất cây trồng, phẩm chất nông sản, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, tăng sản lượng các sản phẩm trồng trọt phục vụ xuất khẩu. Theo số liệu của FAO và Bộ Nông nghiệp và Phát...
Với việc phát hiện ra song song với hệ thống rễ, lá thực vật và các phần trên mặt đất khác của cây trồng cũng có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển các loại phân bón lá. Cho tới nay, nhiều loại phân bón lá khác nhau đã được thương mại, đặc biệt cho các loại rau và quả. Hầu hết phân bón lá cho hiệu lực nhanh, kinh tế hơn do phần diện tích cây trồng tiếp xúc và sử dụng loại phân này cao hơn 10-15 lần so với phân bón gốc. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như mới phun xong gặp mưa hay gió thì hiệu suất sử dụng thấp hơn nhiều. Đồng thời sử dụng kỹ thuật phun sương cũng làm thất thoát một lượng đáng kể phân bón qua lá do phân bón không bám dính được vào bề mặt thân, lá của cây trồng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng để tăng hiệu quả và hiệu lực của phân bón qua lá những thành phần phụ trợ nên được bổ sung thêm vào phân bón lá. Những chất này có thể là: chất kích thích (acid humic, các chất kích thích sinh học, chất chiết xuất từ rong biển, tảo), dạng thức vật lý (tinh thể, huyền phù), hay các chất phụ ích (làm ướt, kết dính, phân bố đều) tùy thuộc vào tính chất của từng loại phân bón lá và loại cây canh tác. Mặc dù vậy, các sản phẩm thương mại có thể sử dụng đồng thời qua lá cho nhiều loại cây trồng vẫn còn rất ít.
Gần đây, việc sử dụng công nghệ bức xạ để cải biến, tận dụng các loại polysaccharide tự nhiên như chitosan, alginate, carrageenan … trong nông nghiệp đã được quan tâm nghiên cứu. Các loại polysaccharide tự nhiên này sau cải biến bằng chiếu xạ có thể được sử dụng làm chất kích thích, chất điều hòa sinh trưởng thực vật cũng như phân bón sinh học… Xanthan là một loại polysaccharide được sinh ra nhờ loài vi khuẩn Xanthomonas sp. Nhờ khả năng tan trong nước, độ nhớt rất cao và khối lượng phân tử lớn, xanthan đã được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi cho nhiều ứng dụng khác nhau từ công nghiệp thực phẩm đến nông nghiệp, công nghiệp.
Hiện nay việc sản xuất phân bón lá ở nước ta hầu hết phải sử dụng các loại phụ gia nhập ngoại giúp tăng khả năng bám dính của phân bón. Gần đây, truyền thông cũng đang lên án mạnh mẽ việc một số cá nhân sử dụng dầu thải, nước rửa chén pha chung với phân bón tưới cho nhiều loại rau gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người tiêu dùng cũng như gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, sử dụng công nghệ chiếu xạ- một công nghệ sạch, thân thiện môi trường tạo ra loại chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên làm phụ gia thay thế các sản phẩm nhập ngoại và độc hại là hết sức cần thiết.
Với mục tiêu tạo được chế phẩm có khả năng bám dính tốt, có thể sử dụng kết hợp để làm tăng hiệu quả sử dụng đối với nhiều loại phân bón lá, đề tài cơ sở 2015 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ tạo chế phẩm có tác dụng làm tăng hiệu suất sử dụng phân bón qua lá” đã được nhóm nghiên cứu phòng Công nghệ Bức xạ, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội thực hiện với các kết quả thực nghiệm rất khả quan và được hội đồng nghiệm thu Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) đánh giá xếp loại tốt. Từ Xanthan xử lý chiếu xạ, nhóm nghiên cứu đã tạo được loại chế phẩm mà khi bổ sung vào phân bón lá NI-PHOS-KA có tác dụng làm tăng chiều cao cây, chiều dài rễ và sinh khối tươi của ngô và đậu tương ở giai đoạn cây non cũng như làm năng suất cây rau muống tăng tới hơn 36%. Đồng thời, một quy trình tạo chế phẩm đơn giản, dễ thực hiện với hiệu suất cao cũng đã được đề xuất.




Ảnh hưởng của xanthan chiếu xạ lên sự phát triển của cây ngô và đậu tương giai đoạn non




Chăm sóc và thu hoạch rau muống

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ mở rộng phạm vi khảo sát để kết hợp chế phẩm tạo được với nhiều loại phân bón lá khác nhau cũng như khảo nghiệm trên nhiều loại cây trồng mới. Chúng tôi mong muốn bằng công nghệ bức xạ sẽ tạo ra được một loại chế phẩm có khả năng thương mại hóa, có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại, giúp các cơ sở sản sản xuất nông nghiệp trong nước tiếp cận được công nghệ sạch hơn, tăng hiệu quả canh tác, tiết kiệm được chi phí cho người nông dân và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường./.

Lượt xem: 2775

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)