Thứ tư, 04/05/2016 11:23 GMT+7

Công bố các dự án được nhận tài trợ của IPP2 năm 2016

5 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng nhanh và 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ nhận được khoản tài trợ giai đoạn 2 trị giá 100,000 Euro/dự án; ngoài ra, 10 dự án mới về phát triển hệ sinh thái đổi...

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, năm 2016, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) tiếp tục tài trợ nâng cấp cho các dự án đổi mới sáng tạo đã được IPP2 lựa chọn hỗ trợ từ năm 2015 và tài trợ mới cho các dự án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năm 2016. Đây là cam kết và thông điệp mạnh mẽ của IPP2 trong việc góp phần tích cực cải thiện môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của lực lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao vươn ra thị trường quốc tế.

Sau quá trình đánh giá khắt khe đối với 22 dự án đã được nhận tài trợ ban đầu từ năm 2015, IPP2 đã lựa chọn 7 dự án xuất sắc nhất, trong đó có 5 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp để tiếp tục tài trợ nâng cấp (với mức tài trợ tối đa là 100,000 Euro/dự án). Ông Lauri Laakso - Cố vấn trưởng Chương trình cho biết: “Ban đánh giá độc lập gồm các chuyên gia quốc tế và trong nước đều thống nhất nhận định rằng các dự án doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được lựa chọn đã trình diễn được mô hình kinh doanh hiệu quả và năng lực liên kết nội nhóm mạnh, minh chứng được khả năng tăng trưởng cao, mở rộng thị trường cũng như tư duy kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp được lựa chọn là các dự án có kết quả hoạt động tốt trong 9 tháng nhận tài trợ ban đầu, nhóm thực hiện dự án thực sự tâm huyết và cam kết mạnh mẽ, mô hình dự án có khả năng nhân rộng để tạo ảnh hưởng lớn hơn”. Đối với các dự án không được lựa chọn tài trợ tiếp trong đợt này, IPP2 sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ mềm khác như mời tham gia các hội thảo, diễn đàn và được tiếp cận mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp của Chương trình.

Đối với đợt kêu gọi tài trợ mới năm 2016 cho các dự án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, IPP2 nhận được 49 hồ sơ đề xuất tài trợ, trong đó có 39 hồ sơ hợp lệ được đưa vào vòng đánh giá toàn diện. Trên cơ sở đó, IPP2 đã lựa chọn được 10 dự án xuất sắc nhất để cung cấp tài trợ ban đầu với mức tối đa 50,000 Euro/dự án. Đây là các nhóm dự án liên danh thể hiện thành công tầm nhìn, năng lực và tính khả thi của dự án khi xác định và giải quyết trúng các nhu cầu khởi nghiệp ở Việt Nam; đưa ra được các cách tiếp cận mới, nhân tố mới hoặc sáng kiến mới nhằm đóng góp cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trên phạm vi quốc gia hoặc vùng miền địa phương.

“Năm 2015, IPP2 tập trung vào các hoạt động xây dựng năng lực và hợp tác đối tác quốc tế thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong năm 2016, IPP2 sẽ tiếp tục tài trợ bổ sung cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng cao, hỗ trợ các dự án liên danh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đồng thời tăng cường kết nối với các đối tác quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, IPP2 cũng chú trọng triển khai hoạt động hợp tác với các trường đại học và cơ sở giáo dục để đưa chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy ở các trường”, bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Chương trình IPP2 chia sẻ.


Ban Quản lý IPP2 tổ chức họp báo nhân sự kiện FINAL DEMO DAY
công bố khởi động các chương trình tài trợ của IPP2 năm 2016


Đánh giá về hiệu quả tài trợ của IPP2, Ông Nguyễn Hoàng Long - thành viên sáng lập của Hamona, dự án đã nhận được tài trợ ban đầu của IPP2 trong năm 2015 và được lựa chọn tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 2 nhấn mạnh: “Với khoản tài trợ bổ sung từ IPP2, chúng tôi sẽ sử dụng để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, mở rộng các hoạt động marketing và tối ưu hoá quy trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế đối với sản phẩm của Hamona". Là một doanh nhân khởi nghiệp đầy tham vọng với mục tiêu xây dựng một thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam với sản phẩm dừa tươi nguyên trái chiếm lĩnh thị trường quốc tế, Ông Long đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động đào tạo và cố vấn kinh doanh của IPP2 đối với doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua Chương trình Đào tạo Tăng tốc Đối mới Sáng tạo năm 2015, giúp phát triển tầm nhìn của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cho các nhóm dự án.

Chia sẻ về dự án Chương trình tăng tốc kinh doanh Catapult - dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mới được IPP2 lựa chọn tài trợ trong năm 2016, ông Pietro Karjalainen, Giám đốc điều hành Finnsea cho biết: “Khác với mô hình tăng tốc kinh doanh truyền thống, chúng tôi sẵn sàng đưa ra các chương trình được thiết kế theo nhu cầu nhằm tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu và mục tiêu khác nhau. Chúng tôi sẽ cung cấp các giải pháp riêng có nhằm kết hợp hài hòa giữa thông lệ đầu tư quốc tế với văn hóa kinh doanh của người Việt Nam”.

Thông tin cụ thể về Chương trình tài trợ của IPP2 và Danh sách các dự án được lựa chọn có thể xem trên trang thông tin điện tử của Chương trình: www.ipp.vn.

Lượt xem: 2180

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)