Thứ ba, 26/04/2016 09:28 GMT+7

Hội thảo về “Chiến lược khởi nghiệp - kinh nghiệm của một số nước Đông Á và gợi suy chính sách đối với Việt Nam"

Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác quốc tế năm 2016, ngày 20/04/2016, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) tổ chức Hội thảo về “Chiến lược khởi nghiệp - kinh nghiệm của một số nước Đông Á và gợi suy chính sách đối với...
Hội thảo tập trung trao đổi về 03 vấn đề lớn:
- Cách mạng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và giải pháp nền kinh tế sáng tạo.
- Phương thức để các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh thành công trong bối cảnh một nền công nghiệp phát triển hiện đại.
- Một số kinh nghiệm từ hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam.
Đây là những nội dung gắn với một trong những hướng nghiên cứu hiện nay của Viện cũng như mối quan tâm của Bộ KH&CN về đầu tư mạo hiểm, chuyển giao công nghệ và chiến lược khởi nghiệp.
Các báo cáo đã được chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam trình bày trong hội thảo.
Liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp, TS. Jeong Hop Lee đến từ STEPI, Hàn Quốc đã trình bày các quan điểm, lý luận hình thành các thành phần tạo hệ mang tính thứ bậc và mối quan hệ giữa chúng, minh chứng bằng các ví dụ từ kinh nghiệm Hàn Quốc, bao gồm chính sách đầu tư của nhà nước, các tổ chức tài trợ, các nhóm sáng tạo, tinh thần và môi trường hỗ trợ tinh thần kinh thương tại đại học, các câu lạc bộ khởi nghiệp, các trung tâm sáng tạo vùng, các công viên công nghệ vùng, các phòng thí nghiệm với các dịch vụ cung cấp ưu đãi, và cuối cùng là các tổ chức/đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp là các vườn ươm công nghệ. Đề cập đến việc áp dụng các quan điểm, lý luận này tại Việt Nam, TS. Lee cho rằng những nhà lập chính sách KH&CN Việt Nam trước hết phải hiểu rõ bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam, tìm ra các điểm phù hợp để vận dụng. TS. Lee khuyến cáo Việt Nam 6 yếu tố mang tính bối cảnh cần nghiên cứu bao gồm:
- Yếu tố văn hóa của con người Việt Nam,
- Yếu tố đặc trưng của hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, lĩnh vực và ngành tiềm năng diễn ra hoạt động khởi nghiệp thành công,
- Trình độ công nghệ và năng lực công nghệ trong các ngành/lĩnh vực để tìm ra những điểm mấu chốt cần khuyến khích hoạt động khởi nghiệp,
- Thực trạng chính sách của chính phủ đối với hoạt động khởi nghiệp,
- Sự có mặt của các nhân tố khởi nghiệp, nhất là từ các trường đại học,
- Sự kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và các đại gia kinh tế (các hãng lớn).
Nghiên cứu các yếu tố trên nhằm làm rõ hai câu hỏi nghiên cứu cơ bản:
1- Vấn đề thắt cổ chai của hoạt động khởi nghiệp là gì ?
2- Chúng ta hiện đang đứng ở đâu ?

Tiếp đó, trong phần trình bày về phương thức để các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh thành công trong bối cảnh một nền công nghiệp phát triển hiện đại, GS. Jet P.H. Shu đến từ Taipei Tech, Đài Loan đã trình bày một viễn cảnh của một nền công nghiệp phát triển hiện đại, được gọi là phiên bản nền công nghiệp thứ 4 (industry 4.0), với những vấn đề tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp. Các cán bộ nghiên cứu tham gia hội thảo rất quan tâm đến trao đổi của GS. Shu về phân loại các địa bàn/lĩnh vực để khởi nghiệp và cơ hội để các hoạt động khởi nghiệp diễn ra. Những trao đổi này thực sự có ý nghĩa phân loại các phương hướng phát triển đối với hoạt động khởi nghiệp và có tính định hướng cho tương lai.


GS. Jet P.H. Shu trình bày tại Hội thảo

Trong phần trình bày tiếp sau về kinh nghiệm hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, TS. Tạ Doãn Trịnh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN trình bày kinh nghiệm cụ thể tại Việt Nam. Ông cho rằng các nhân tố chính thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam bao gồm: ý tưởng công nghệ, được cấp vốn đầu tư mạo hiểm, có kỹ năng quản lý và khả năng xâm nhập thị trường. Để phát triển hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, TS. Trịnh nêu ra 3 điều kiện:
1- Sự phát triển của thị trường đầu tư (gồm cả thị trường chứng khoán) nhằm cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm.
2- Môi trường thể chế khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, bao gồm cả chính sách sở hữu trí tuệ, phân chia lợi ích, cũng như cơ chế cho phép sử dụng đồng vốn của người khác để đầu tư hoạt động khởi nghiệp.
3- Hình thành chùm liên kết giữa các thực thể nghiên cứu + tổ chức tài chính + khởi nghiệp + và hỗ trợ của chính phủ.
Hội thảo đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích và là một diễn đàn trao đổi các quan điểm khoa học của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này./.

Lượt xem: 1560

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)