Thứ hai, 23/05/2016 08:07 GMT+7

Đẩy mạnh triển khai các Chương trình KH&CN Quốc gia

Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tối đa 50% đối với hoạt động hoàn thiện công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia; tối...

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo“Giới thiệu và hướng dẫn tham gia các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 19/5/2016, tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 do Bộ KH&CN tổ chức.


Toàn cảnh hội thảo


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu là lãnh đạo của các đơn vị thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo và cán bộ của các Bộ, ngành liên quan; đại diện các Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN; lãnh đạo và cán bộ của Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia; đại diện lãnh đạo Sở KH&CN và một số doanh nghiệp các tỉnh thành phía Bắc; những doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH&CN cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội thảo được tổ chức với mục đích đẩy mạnh triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia trong giai đoạn tới, cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung, cơ chế quản lý và quy trình tham gia của các Chương trình KH&CN quốc gia tới các cơ quan quản lý KH&CN ở địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo


Thời gian qua, để tiếp tục phát huy vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, Bộ KH&CN đã sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành một số chương trình/đề án quốc gia về phát triển KH&CN. Đó là các chương trình: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020.

Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng KH&CN, tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư “tới ngưỡng” để hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đối tượng tham gia các Chương trình nói trên hướng vào nhiều đối tượng. Cụ thể, là các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực để hình thành doanh nghiệp KH&CN; các doanh nghiệp KH&CN; doanh nghiệp có đăng ký hoạt động KH&CN và các tổ chức KH&CN.

Tại Hội thảo, thông tin về một số Chương trình KH&CN quốc gia đang triển khai; hai thông tư mới về tài chính có hiệu lực trong năm 2016 là thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN, thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC; nội dung, cơ chế tổ chức, quản lý các Chương trình KH&CN Quốc gia;… đã được cung cấp và trao đổi.

Theo đó, Nội dung kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước tùy thuộc vào nội dung cụ thể trong từng Chương trình. Tuy nhiên, đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sẽ hỗ trợ tối đa 100% kinh phí; tối đa 50% đối với hoạt động hoàn thiện công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia; tối đa đến 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu; thiết bị đo kiểm, phân tích trong quá trình sản xuất thử nghiệm và sản xuất lô số không của dây chuyền công nghệ; tối đa 100% chi phí đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực đối với đơn vị trực tiếp tham gia dự án. Đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ hoạt động thương mại hoá sản phẩm và phát triển thị trường, hoạt động xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Để tham gia vào các Chương trình nói trên, các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN cần đáp ứng các điều kiện: Chủ nhiệm dự án có trình độ cử nhân trở lên; đơn vị chủ trì dự án có đăng ký hoạt động KH&CN; có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án; tính khả thi và tiềm năng thị trường của sản phẩm của dự án; có đề xuất đặt hàng của cơ quan cấp Bộ, ngành hoặc UBND cấp tỉnh.

Việc tham gia vào các Chương trình sẽ được thực hiện theo quy trình: đề xuất đặt hàng của Bộ ngành, UBND cấp tỉnh. Hội đồng tư vấn và các chuyên gia độc lập sẽ xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, giao trực tiếp và thẩm định kinh phí phê duyệt. Sau đó sẽ ký hợp đồng triển khai thực hiện.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc, khó khăn cũng như những kinh nghiệm thành công của đơn vị khi triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN quốc gia. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và các đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi, giải đáp vướng mắc của các đại biểu liên quan đến những vấn đề như thất bại trong nghiên cứu, xây dựng thuyết minh dự án và dự toán, thanh quyết toán,… Thứ trưởng khẳng định, trong quá trình xây dựng nhiệm vụ KH&CN để tham gia vào các Chương trình KH&CN, Bộ KH&CN luôn luôn sẵn sàng cùng đồng hành với các đơn vị cũng như doanh nghiệp để có thể xây dựng được những nhiệm vụ thực sự có tính khả thi và sau này có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Lượt xem: 1448

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)