Thứ sáu, 18/11/2016 16:03 GMT+7

Xử lý quặng thiếc nhiễm sắt và asen bằng phương pháp nhiệt

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã thiết kế được dây chuyền công nghệ quy mô công nghiệp và chuyển giao công nghệ xử lý quặng thiếc gốc khó tuyển có hàm lượng Fe và As cao. Đây là sản phẩm của đề tài nghiên cứu: “Xử lý quặng thiếc nhiễm sắt...


Công nghệ luyện thiếc ở Việt Nam đã được Liên Xô giúp đỡ đầu tư xây dựng và chuyển giao công nghệ từ năm 1958. Khi đó, áp dụng công nghệ luyện thiếc lò phản xạ đốt than, mà nguyên liệu đầu vào là tinh quặng thiếc tiêu chuẩn, có hàm lượng tạp chất rất nhỏ. Sản phẩm thu được là thiếc tinh xuất khẩu loại 2 với sản lượng đạt 500 tấn/năm. Sau đó, để mở rộng quy mô sản xuất thiếc đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, Việt Nam đã chuyển sang áp dụng công nghệ luyện thiếc lò điện do Liên Xô chuyển giao. Đến năm 1988, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã triển khai đề tài: “Nghiên cứu luyện thiếc trong lò điện” và kết quả nghiên cứu đã được áp dụng ngay tại Viện từ năm 1989. Công nghệ luyện thiếc trong lò điện có nhiều ưu việt hơn lò phản xạ như xử lý được nhiều loại tinh quặng chất lượng thấp nhiều sắt, đặc biệt do tính cơ động thích hợp với quy mô sản xuất nhỏ và vừa nên công nghệ luyện thiếc lò điện nhanh chóng được phát triển thành quy mô lớn trong cả nước. Sản lượng thiếc xuất khẩu tăng nhanh đến hàng nghìn tấn/năm chỉ trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, theo thời gian, trữ lượng quặng thiếc dồi dào đã giảm dần, nguồn quặng thiếc trở nên khan hiếm, các tạp chất gây khó khăn đối với việc luyện trong lò điện. Cách đây hơn 10 năm, các chuyên gia đã tìm ra một số giải pháp công nghệ tuyển khoáng để tách các tạp chất As, Sb, S… tới giới hạn thấp đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho luyện lò điện. Nhưng thời gian gần đây, đã xuất hiện loại tinh quặng thiếc gốc nhiễm sắt và asen không thể xử lý bằng phương pháp tuyển có hiệu quả kinh tế vì hàm lượng tạp chất quá cao, xâm nhiễm quá mịn. Vì vậy, đề hoàn thiện công nghệ luyện thiếc của Việt Nam cũng như giải quyết những vấn đề bức xúc trong thực tế sản xuất, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài: “Xử lý quặng thiếc nhiễm sắt và asen bằng phương pháp nhiệt”.

Từ kết quả nghiên cứu công nghệ thiêu oxy hóa - hoàn nguyên kết hợp công nghệ tuyển từ và kết quả sản xuất thử thiếc từ tinh quặng thiếc sau khi xử lý bằng công nghệ trên, đề tài đã rút ra một số kết luận sau:
- Đã xác định được quy trình công nghệ để xử lý quặng theiéc nhiễm sắt và asen đạ tiêu chuẩn luyện kim (Fe < 3%, As < 0,5%) với các thông số sau:
+ Tuyển từ lần 1: Máy tuyển từ 01 trục với cường độ dòng điện 5A.
+ Thiêu oxy hóa - hoàn nguyên: Tốc độ quay của nồi lò: 20 vòng/phút; nhiệt độ thiêu 9000C; Thời gian giữ nhiệt khi thiêu: 90 phút; chất hoàn nguyên: than antraxit Hòn Gai, 6% khối lượng quặng; Khói và bụi khi thiêu quặng được hệ thống quạt hút 3 fa/380 V - 7 kW đưa vào hệ thống cyclon thu lại bụi thiếc.
+ Tuyển lần 2: máy tuyển từ 3 đĩa với cường độ dòng điện 2A.
- Có thể xử lý được quặng thiếc gốc khó tuyển có hàm lượng Fe và As cao để nhận tinh quặng thiếc đạt chất lượng (Fe < 3,0%, As < 0,5%) cung cấp cho luyện lò điện.
- Áp dụng công nghệ thiêu oxy hóa - hoàn nguyên kết hợp công nghệ tuyển từ khi xử lý quặng thiếc nhiễm sắt và asen cao trong sản xuất thiếc tại Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện Kim Miền Nam cho thấy: Thực thu Sn tăng lên hơn 96%; tiết kiệm được điện năng và tiết kiệm vật tư (than cốc, ferosilic và vôi).

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11110/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 6322

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)