Thứ năm, 23/06/2016 08:20 GMT+7

Chương trình KC.04: Phát triển được công nghệ nền của công nghệ sinh học

Mặc dù kinh phí cho mỗi đề tài, dự án không nhiều nhưng những kết quả Chương trình Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học đã đạt được rất lớn. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc tại Hội...


Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao những kết quả cũng như đóng góp của Chương trình. Ảnh: HN


Báo cáo tại Hội nghị, GS.TS. Trương Nam Hải cho biết, Chương trình gồm 23 đề tài, 3 dự án sản xuất thử nghiệm, 10 đề tài tiềm năng, không có nhiệm vụ nào dừng thực hiện. 96,2% các đề tài, dự án đã công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành; 42,3% các đề tài, dự án có bài báo công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế; 61,5% kết quả của đề tài, dự án được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp (dự kiến 60%); 3,8% kết quả của đề tài, dự án đã được công nhận sáng chế hoặc giải pháp hữu ích (dự kiến 15%).


GS.TS. Trương Nam Hải báo cáo kết quả của Chương trình sau 5 năm triển khai. Ảnh: HN

Chương trình đặt mục tiêu phát triển được các công nghệ nền của công nghệ sinh học (ưu tiên công nghệ gen, enzym-protein) trong nghiên cứu phát triển công nghệ và ứng dụng đối với các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng; tạo được quy trình công nghệ, vật liệu, sản phẩm trên nền công nghệ hiện đại phục vụ cho y tế, nông nghiệp, công nghiệp và an ninh quốc phòng; tạo được một số công nghệ có triển vọng ứng dụng cao và một số nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN tiềm năng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đã bám sát nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”, cùng với các Bộ, ngành liên quan xây dựng được những đề tài nghiên cứu phát triển các công nghệ gen, enzym - protein, tạo được quy trình công nghệ, vật liệu, sản phẩm trên nền công nghệ hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các sản phẩm của Chương trình gồm 5 nhóm chính: quy trình công nghệ, sản phẩm ứng dụng, sản phẩm về công nghệ protein, sản phẩm về công nghệ vi sinh vật, sản phẩm về công nghệ tế bào.

Chương trình đã thúc đẩy các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học làm chủ, vận dụng sáng tạo các công nghệ nền. Các nội dung nghiên cứu, chỉ tiêu và sản phẩm dự kiến đều hoàn thành và vượt đáp ứng đầy đủ mục tiêu Chương trình đã đưa ra. Hỗ trợ rất hiệu quả công tác đào tạo chất lượng cao, đào tạo trình độ sau đại học, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ nghiên cứu. Đồng thời, giúp các nhà khoa học tạo ra những sản phẩm đạt được một số tiêu chuẩn khoa học ngang tầm khu vực và quốc tế, làm chủ quy trình công nghệ, góp phần chủ động sản xuất, giảm giá thành. Nhiều sản phẩm đã có tác dụng tích cực đối với xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng xét nghiệm, chất lượng sống của người dân.

Các đề tài, dự án của chương trình đã tiếp cận, thử nghiệm một số công nghệ có triển vọng ứng dụng cao, có khả năng tích hợp với các công nghệ liên ngành (nano, điện tử, vật liệu mới). Đây là ưu thế đặc thù của KC.04 hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, nâng cao chuyên môn để có thể tiếp nhận làm chủ được công nghệ sản xuất ở quy mô doanh nghiệp, công nghiệp.

Một số sản phẩm tiêu biểu, mang tính ứng dụng cao có thể kể đến như bộ giống khoai tây đạt tiêu chuẩn 10 TCN 316-2003 đã chuyển giao cho nhiều công ty tại Thái Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang,… và Bộ KH&CN Indonesia; bộ chủng giống vi sinh vật để sản xuất phân bón được phép kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Công nghệ sản xuất phân bón chuyển giao cho Công ty cổ phần Hóa chất Vinh (tổng trị giá 102 tỷ đồng) để xây dựng nhà máy sản xuất phân bón vi sinh đa chủng đa chức năng, công suất 10.500 tấn/năm; protein tái tổ hợp IL-2 lần đầu tiên được sản xuất quy mô công nghiệp, thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư tại Công ty Vacxin và Sinh phẩm số 1; nhiều loại vacxin phòng các bệnh virus cho chăn nuôi, thủy sản đảm bảo hiệu lực gây đáp ứng miễn dịch tốt: Vacxin phòng bệnh hoại tử thần kinh cho cá (đạt độ vô trùng 100%, độ an toàn 100%) đã được sử dụng ở quy mô cá nuôi công nghiệp với tỷ lệ bảo hộ trên 70% ở Hải Phòng, Thừa Thiên Huế; các bộ kit phục vụ điều trị đích đối với ung thư phổi, đại trực tràng, ung thư máu, chẩn đoán phôi tiền làm tổ, chẩn đoán bệnh liên quan ty thể đạt được độ nhạy, độ chính xác tương đương các kit nhập ngoại, giúp bệnh nhân được tiếp cận với các phương pháp điều trị chất lượng cao với chi phí phù hợp; các bộ kit phát triển dấu chuẩn thế hệ mới hỗ trợ chẩn đoán ung thư tuyến liền liệt đảm bảo độ nhạy, độ đặc hiệu nhưng có giá thành tạm tính chỉ bằng 1/2 của bộ kit nhập ngoại;...


Lãnh đạo Bộ KH&CN, Ban Chủ nhiệm Chương trình và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: HN


Tại Hội nghị, bên cạnh việc chia sẻ những thành tựu đạt được, những thuận lợi, khó khăn khi triển khai Chương trình, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị. Theo đó, cần duy trì mô hình hoạt động theo chương trình, bởi đây là cách hiệu quả để tập hợp các nhiệm vụ theo hướng giải quyết tổng thể các vấn đề, mục tiêu của thực tiễn, tránh tình trạng manh mún, thiếu liên kết giữa các đề tài, dự án; việc xem xét tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì cần dựa trên một số tiêu chí như: kinh nghiệm khoa học và thực tiễn về vấn đề nghiên cứu, năng lực về cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ quan chủ trì, khả năng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước,…

Lượt xem: 3548

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)