Thứ hai, 19/09/2016 15:36 GMT+7

Dự án FIRST tiếp tục tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN

Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST”, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang tiếp tục triển khai đợt tài trợ lần thứ 2 nhằm hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp,… nhằm đẩy mạnh...

Thí điểm triển khai một số cơ chế chính sách

Ngày 17/9/2016, tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST”, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Dự án FIRST và hướng dẫn viết hồ sơ đề xuất tài trợ”. Hội thảo là sự tiếp nối của 2 hội thảo đã được Ban Quản lý Dự án tổ chức trước đó tại TP. Hồ Chí Minh (ngày 13/9) và tại Đà Nẵng (ngày 15/9) vừa qua.

Hội thảo là cơ hội để giới thiệu một cách đầy đủ nhất về Dự án FIRST và các khoản tài trợ đến được đông đảo các đối tượng thụ hưởng tiềm năng. Đây cũng là dịp để Ban Quản lý Dự án trao đổi với các đơn vị quan tâm về cách thức xây dựng hồ sơ dự án, những kinh nghiệm của đợt đầu tư giai đoạn 1 nhằm giúp các đơn vị chuẩn bị hồ sơ đề xuất có chất lượng tốt nhất.


Toàn cảnh Hội thảo

Dự án FIRST được thực hiện theo Hiệp định tài chính được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (World Bank) ngày 25/7/2013. Chính phủ giao cho Bộ KH&CN là cơ quan quản lý. Đây là dự án đầu tiên do World Bank tài trợ cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Mục tiêu của Dự án là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Cụ thể, Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách mới, góp phần hoàn thiện khung chính sách quốc gia khuyến khích phát triển KH&CN; nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp KH&CN.

Với tổng mức đầu tư của Dự án là 110 triệu USD, thực hiện trong vòng 60 tháng kể từ ngày 23/10/2013, Dự án đặt mục tiêu đạt được các kết quả: Hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hoạch định chính sách và thí điểm chính sách về KH&CN; Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang tự chủ; Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phát triển đội ngũ doanh nghiệp KH&CN.

Nhiều lĩnh vực được ưu tiên đầu tư

Theo Ban Quản lý Dự án, trong đợt kêu gọi lần thứ hai, Dự án FIRST triển khai ba khoản tài trợ chính: Khoản tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài, bao gồm người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục đích nhằm hỗ trợ các tổ chức KH&CN, trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp trong nước tiếp cận, nắm bắt, tiếp thu, làm chủ tri thức mới, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý hiện đại và tăng cường kết nối, hợp tác trong hoạt động đổi mới sáng tạo với quốc tế (Hợp phần 1a).

Thứ hai, khoản tài trợ cho các tổ chức KH&CN công lập. Mục đích nhằm hỗ trợ các tổ chức này thực hiện tự chủ, và phát triển bền vững về tài chính thông qua đề xuất Dự án có chiến lược phát triển dài hạn về KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý tổ chức (Hợp phần 2a).

Thứ ba, khoản tài trợ cho nhóm hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khoản tài trợ này hỗ trợ các Nhóm Hợp tác thực hiện đề xuất triển khai các dự án kinh doanh khả thi dựa trên các kết quả nghiên cứu về KH&CN, các ý tưởng sáng tạo giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học (Hợp phần 2b2).

Về mức trần kinh phí tài trợ, khoản tài trợ thuộc Hợp phần 1a sẽ tài trợ 100% kinh phí thực hiện với số tiền tối đa là 200.000 USD, với Hợp phần 2a là 4 triệu USD. Khoản tài trợ thuộc hợp phần 2b2 không vượt quá 50% tổng kinh phí thực hiện dự án với mức trần tối đa là 3 triệu USD.

Dự án FIRST ưu tiên tài trợ đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học và nông nghiệp; vật liệu mới; cơ khí và tự động hóa; các hàng hóa công ích như trắc địa, bản đồ, đo lường, khí tượng, thủy văn, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ;... Thông tin chi tiết về Dự án FIRST và các khoản tài trợ nêu trên đã được đăng tải tại website của Dự án: http://first-most.vn.

Tại hội thảo, ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết, "Đợt đầu tiên của dự án với được sự đồng ý của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cùng Bộ KH&CN chúng tôi đã lựa chọn và trao tài trợ cho 11 đề xuất. Đây là những dự án hết sức tiềm năng, thông qua dự án các đề xuất cũng đã có những cam kết cụ thể".

Các dự án đang triển khai và có những kết quả bước đầu khá khả quan như: “Làm chủ công nghệ chọn tạo và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có các đặc tính nổi trội và giá trị kinh tế cao, góp phần đảm bảo sự tự chủ của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long”; Nhóm hợp tác “Nghiên cứu công nghệ chế tạo một số vacxin và thuốc thú y phòng, trị bệnh cho vật nuôi” do Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Đức Hạnh là thành viên đứng đầu; "Phát triển quy trình công nghệ chế tạo transistor có độ linh động điện tử cao, ứng dụng cho các thiết bị điện tử công suất và tần số cao (HEMT)" do trường Đại học Bách Khoa Hà Nội triển khai;…

Một trong những điểm mới mà FIRST tài trợ là có sự liên kết, lan tỏa, liên kết doanh nghiệp với các viện các trường và thông qua môi trường thí điểm của Bộ KH&CN đưa ra thị trường những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có hiệu quả kinh tế đối với doanh nghiệp", ông Trần Quốc Thắng chia sẻ thêm.


Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST phát biểu tại Hội thảo

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, người trực tiếp tham gia đề xuất cho biết, lĩnh vực Điện tử - Thông tin là một trong các hướng ưu tiên phát triển công nghệ, nhưng tại Việt Nam có rất ít, hoặc là không có các nhóm nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tạo linh kiện điện tử nói chung và linh kiện HEMT nói riêng. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng rất lớn đến nền công nghiệp phụ trợ.

Đối với đề xuất này của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Dự án FIRST đã giúp cung cấp nguồn kinh phí ban đầu gần 100.000 USD nhằm phát triển hướng nghiên cứu ở Việt Nam, mời các chuyên gia (trong đó có người Việt) đang làm việc tại các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới về lĩnh vực chế tạo linh kiện mới GaN/AlGaN HEMT, tới Việt Nam giảng dạy, hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

Thông qua các khóa đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, các nhà khoa học trẻ của Đại học Bách Khoa Hà Nội được tiếp cận với các cơ sở nghiên cứu tiên tiến, cùng với sự hợp tác nghiên cứu khoa học, tiếp nhận công nghệ mới. Có thể khẳng định đây là phương pháp tiếp cận thành tựu công nghệ mới một cách hiệu quả và nhanh nhất, dự kiến sau 5 năm sẽ hoàn thành nghiên cứu công nghệ này, ông Trung khẳng định.

Trong đợt kêu gọi lần thứ 2 này, Dự án FIRST triển khai theo một quy trình tối ưu, bám sát các quy định trong nước và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chí đánh giá được hướng dẫn rõ ràng với mong muốn tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận Dự án FIRST. Ngoài hình thức nộp trực tiếp đến trụ sở Ban Quản lý Dự án, các cá nhân, đơn vị tham gia có thể nộp trực tuyến hết sức nhanh chóng, tiện lợi sau khi đăng nhập vào địa chỉ www.first-most.vn và tạo một tài khoản để giao dịch.

Thời hạn nộp hồ sơ được quy định trước 15h ngày 11/10/2016 (đối với khoản tài trợ thuộc Hợp phần 1a); trước 15h ngày 17/10/2016 (đối với khoản tài trợ thuộc Hợp phần 2a); và trước 15h ngày 18/10/2016 (đối với khoản tài trợ thuộc Hợp phần 2b2).

Lượt xem: 1708

TAGS : FIRST
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)