Thứ năm, 15/09/2016 17:34 GMT+7

Nghiên cứu kỹ thuật giâm hom và xây dựng mô hình trồng rừng năng suất cao cho 3 dòng bạch đàn đã được chọn lọc PNCTIV, PNCT3 và PNCT4

Năm 2014, nhóm nghiên cứu do KS. Triệu Hoàng Sơn dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật giâm hom và xây dựng mô hình trồng rừng năng suất cao cho 3 dòng bạch đàn đã được chọn lọc PNCTIV, PNCT3 và PNCT4”.
Trong nhiều năm qua, bạch đàn là một trong những loài cây trồng rừng chính để cung cấp nguyên liệu sản xuất giấy. Để cung cấp nguồn nguyên liệu để đáp ứng mục tiêu đạt 4,4 triệu tấn giấy cho ngành giấy vào năm 2015, đồng thời làm giảm giá thành sản xuất giấy, tăng khả năng cạnh tranh giữa giấy được sản xuất trong nước với giấy nhập khẩu khẩu, thì việc đưa các giống cây nguyên liệu giấy năng suất cao vào sản xuất đại trà là cần thiết và thường xuyên nhằm tăng năng suất rừng trồng cây nguyên liệu giấy.

Công tác chọn, dẫn giống, tạo ra các dòng vô tính đạt năng suất bằng hoặc cao hơn giống đang sản xuất đại trà là việc làm có ý nghĩa thực tiễn, góp phần nâng cao cả về số lượng và chất lượng rừng trồng. Thực tế sản xuất hiện nay cho thấy, diện tích rừng trồng các dòng vô tính ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, do số lượng dòng còn ít, trồng rừng sản xuất đại trà chủ yếu là 2 dòng PN14 và U6. Theo các kết quả điều tra, diện tích rừng trồng các dòng này ở một vài nơi đã có dấu hiệu sâu bệnh hại, thoái hóa giống, năng suất rừng thấp. Trong khi đó, các dòng: PNCTIV, PNCT3 và PNCT4 được Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy trồng khảo nghiệm đã cho thấy có triển vọng, năng suất vượt so với giống đại trà (PN14, PN3d và U6) từ 1,5 đến 2 lần. Do vậy, để góp phần bổ sung cho ngân sách giống trồng rừng nguyên liệu giấy ở vùng Trung tâm Bắc Bộ và các vùng trồng khác, đồng thời làm tăng tính đa dạng sinh học và độ an toàn cao cho trồng rừng, giảm thiểu rủi do do sâu bệnh hại, nâng cao hiệu quả rừng trồng, phát triển các giống mới có năng suất cao hơn giống đang sản xuất đại trà, phục vụ trồng rừng với số lượng lớn, đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật giâm hom và xây dựng mô hình trồng rừng năng suất cao cho 3 dòng bạch đàn đã được chọn lọc PNCTIV, PNCT3 và PNCT4” được thực hiện là cần thiết cả về phương diện khoa học và thực tiễn.

Sau khi nghiên cứu, đánh giá năng suất, chất lượng và tình hình sâu bệnh hại rừng trồng mô hình 3 dòng chọn lọc PNCTIV, PNCT3 và PNCT4 ở giai đoạn 54 tháng tuổi tại xã Bảo Thanh, Phù Ninh, Phú Thọ và 42 tháng tuổi tại xã Tiến Thắng, Yên Thế, Bắc Giang, nhóm nghiên cứu đã thu được những kết quả sau:
- Đánh giá sinh trưởng rừng trồng mô hình tại vùng nguyên liệu giấy Trung tâm, kết quả ở thời điểm 54 tháng tuổi: Tỷ lệ sống đạt trên 90%, các dòng Bạch đàn PNCT3 đạt thể tích thân cây 78,9 dm3/cây vượt đối chứng 39%, năng suất rừng đạt 20,0m3/ha/năm vượt đối chứng 33%. Dòng PNCTIV: Thể tích thân cây đạt 73,4 dm3/cây đối chứng 30%, năng suất rừng đạt 20,4 m3/ha/năm vượt đối chứng 35%. Dòng PNCT4: Thể tích thân cây đạt 63,9 dm3/cây đối chứng 13%, năng suất rừng đạt 17,2 m3/ha/năm vượt đối chứng 14%. Dòng PN14 (đối chứng): Thể tích thân cây đạt 56,6 dm3/cây, năng suất rừng đạt 15,1 m3/ha/năm.
- Đánh giá sinh trưởng rừng trồng mô hình tại vùng Đông Bắc Bộ ở thời điểm 42 tháng tuổi: Tỷ lệ sống đạt trên 86%. Các dòng Bạch đàn PNCT3 có thể tích thân cây đạt 84 dm3/cây vượt đối chứng 55%, năng suất rừng đạt 25,9 m3/ha/năm vượt đối chứng 39%. Dòng PNCTIV đạt thể tích thân cây 76,7 dm3/cây, năng suất rừng đạt 26,3 m3/ha/năm vượt đối chứng 41%. Dòng PNCT4 thể tích thân cây 71,9 dm3/cây vượt đối chứng 33%, năng suất rừng đạt 23,5 m3/ha/năm đối chứng 26%. Dòng PN14 (đối chứng) thể tích thân cây đạt 54,3 dm3/cây, năng suất rừng đạt 18,6 m3/ha/năm.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11048/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 2608

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)