Trong những năm gần đây, ngành giấy Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm giấy, đáp ứng trên 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt các sản phẩm giấy in, giấy viết về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu in ấn, học tập, công tác của học sinh, sinh viên, công chức… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xuất hiện một số loại mực viết với các thành phần mực khác nhau đã gây nên hiện tượng lem đối với một số sản phẩm giấy viết trên thị trường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học, công tác của học sinh, sinh viên, công chức… Nguyên nhân gây ra hiện tượng lem nhòe có thể do bề mặt giấy không nhẵn; có nhiều lỗ hổng trên bề mặt và bên trong kết cấu liên kết xơ sợi; do mực viết.
Hiện nay, ở Việt Nam có một số cơ sở sản xuất giấy viết quy mô lớn như Tổng công ty giấy Việt Nam, Công ty cổ phần giấy Vạn Điểm… đã áp dụng những kỹ thuật đúng hướng để giải quyết hiện tượng lem khi viết như: Nâng cao hiệu quả gia keo nội bộ hay gia keo bề mặt để tăng tính kỵ nước của xơ sợi và của bề mặt giấy; Điều chỉnh chế độ nghiền phù hợp để tăng cường phân tơ chổi hóa xơ sợi; Thay đổi tỷ lệ các xơ sợi hay sử dụng các chất độn có diện tích bề mặt phù hợp.
Tuy nhiên, hiện tượng lem khi viết vẫn xảy ra đối với một số loại mực viết có trên thị trường. Do vậy, việc nghiên cứu một cách hệ thống và giải quyết triệt để hiện tượng lem cho giấy viết đang được các nhà sản xuất giấy ở Việt Nam quan tâm. Chính vì lý do đó, Công ty TNHH Viện Công nghiệp giấy và xenlulô đề xuất và được Bộ Công thương giao cho thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế độ công nghệ sản xuất để nâng cao tính chống thấm (lem nhòe) cho giấy viết”. Mục tiêu của đề tài là xác định được chế độ công nghệ phù hợp cho quá trình sản xuất giấy viết, đảm bảo chất lượng và hạn chế hiện tượng lem khi sử dụng các loại mực viết khác nhau.
Nghiên cứu đã thu được một số kết quả sau:- Xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng lem đối với giấy viết xuất phát từ mực viết, chế độ công nghệ áp dụng trong quá trình sản xuất và quản lý chất lượng giấy in và viết tại các nhà máy sản xuất, cơ sở gia công. Ngoài ra, tỷ lệ phối trộn nguyên liệu, chế độ nghiền và quá trình gia keo nội bộ là các điều kiện công nghệ chính ảnh hưởng đến hiện tượng lem trong giấy viết.
- Đưa ra phương pháp xác định lem nhòe của giấy sau khi sản xuất theo phương pháp kẻ vạch định tính kết hợp với đo độ hút nước Cobb60. Cả hai phương pháp đều đơn giản, dễ thực hiện. Đồng thời, đề tài đã chỉ ra mức chỉ số độ Cobb60 tối thiểu để giấy không bị lem với các sản phẩm giấy viết đang có trên thị trường.
- Xác lập được quy trình công nghệ phù hợp để sản xuất giấy viết không bị lem khi viết với các loại mực khác nhau.
- Sản xuất được 2,032 tấn giấy viết và kiểm tra là không bị lem nhòe với các loại mực khác nhau có trên thị trường, giấy đạt chất lượng đề tài đặt ra.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10912/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia./.