Thứ năm, 31/03/2016 09:11 GMT+7

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công nhận ở Việt Nam

Hội thảo về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công nhận ở Việt Nam đã được tổ chức tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) vào sáng ngày 30/03/2016.


Tham dự Hội thảo có ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng STAMEQ, ông Đoàn Năng - Chủ tịch Hội đồng Công nhận, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ ngành có liên quan và các đơn vị có quan tâm.

Ngày nay, với sự phát triển của thương mại quốc tế, sự gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ đã làm cho hoạt động công nhận đối với các phòng thí nghiệm, các tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định trên phạm vi toàn cầu ngày một phát triển. Hoạt động công nhận trở thành công cụ có giá trị nhất trong việc khẳng định năng lực và sự tin cậy của các tổ chức đánh giá sự phù hợp.



Trao đổi tại Hội thảo, ông Đoàn Thanh Thọ - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra của STAMEQ cho biết: Một số quy định về hoạt động công nhận hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, nhất là thương mại quốc tế. Điều này dẫn đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu không được hưởng các điều kiện thuận lợi như: không phải làm lại việc chứng nhận phù hợp, hiệu chuẩn, thử nghiệm, giám định ở nước hay vùng lãnh thổ nhập khẩu; tiết kiệm kinh phí;…. Theo ông, thực tiễn quản lý hoạt động công nhận thời gian qua đã và đang đặt ra yêu cầu với việc quản lý thống nhất và chặt chẽ hơn hoạt động công nhận. Đồng thời, cần phải xử lý dứt điểm để khắc phục tình trạng tồn tại hoạt động công nhận không có cơ sở pháp lý, trái với quy định của pháp luật hiện hành, vừa gây lo ngại cho các đối tượng được cấp chứng chỉ công nhận, vừa làm cho các đối tác quốc tế khó hiểu và bất bình. Ông khẳng định, việc Việt Nam tham gia các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ APLAC, ILAC, PAC là bước đi đúng hướng, theo khuynh hướng chung của các quốc gia hiện nay góp phần làm thuận lợi hóa hoạt động thương mại của quốc gia và thúc đẩy quá trình thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau cấp chính phủ trong APEC và ASEAN.



Mỗi quốc gia cần phải sớm chọn một mô hình cho hoạt động công nhận của quốc gia. Trên thế giới có rất nhiều mô hình tổ chức công nhận khác nhau phù hợp với điều kiện phát triển của từng nước. Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) nhận định vấn đề mô hình cho hoạt động công nhận ở Việt Nam vẫn còn chưa thật sự rõ ràng. Việc chấp nhận kết quả hoạt động công nhận cũng như việc gắn kết với cơ quan quản lý các Bộ, ngành còn thấp. Thực tế, trong khi một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, Hồng Kông chấp nhận hoàn toàn kết quả của tổ chức công nhận Việt Nam thì bản thân các cơ quan chức năng Việt Nam trong nhiều trường hợp vẫn chưa có được sự công nhận như vậy. Việt Nam cần sớm nghiên cứu mô hình tổ chức công nhận thích hợp gắn bó chặt chẽ và phục vụ đắc lực cho hoạt động quản lý nhà nước cũng như phục vụ thương mại quốc tế của đất nước.

Lượt xem: 1399

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)