Theo kế hoạch 2006-2010, dự kiến tổ chức triển khai 37 đề tài,
dự án, trong 3 năm 2006-2008 từ nguồn vốn sự nghiệp KHCN đã tổ chức
quản lý triển khai 63 đề tài, dự án đạt 170%, trong đó số đề tài, dự án theo danh mục ban đầu là 28 và cập nhật, bổ sung mới theo đề xuất các ngành và địa phương là 35 đề tài, dự án. Đã tổ chức nghiệm thu 39 đề tài, dự án, có 37 đề
tài, dự án được đưa vào ứng dụng và nhân rộng, nhất là trong lĩnh vực
nông nghiệp, nông thôn, đạt 94,87%; còn lại 02 đề tài, dự án chuyển
giao công nghệ sản xuất gạch bằng lò liên tục kiểu đứng hiệu suất cao
và đề tài nghiên cứu sản xuất nước cốt dừa đóng hộp chưa được ứng dụng vào thực tiễn do chất lượng sản phẩm còn phải tiếp tục hoàn chỉnh.
Về hỗ trợ doanh nghiệp đã đào tạo, tập huấn 8 lớp, 320 lượt, trong đó có 123 Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành hàng chế biến về chuyển giao công nghệ. Đào tạo, tập huấn 493 lượt về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Hỗ trợ 37 cơ sở, sản xuất, doanh nghiệp ngành hàng chế biến đổi mới công nghệ và 54 lượt tham gia hội chợ công nghệ, 34 cơ sở, sản xuất, doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO, GMP.
Kết quả đã tổ chức triển khai 11
chương trình, đề tài dự án hỗ trợ doanh nghiệp; đã xây dựng 02 mô hình,
09 quy trình công nghệ và 3 giải pháp công nghệ; tiến hành điều tra,
đánh giá trình độ công nghệ ngành chế biến dừa và thủy sản cho 59 cơ
sở, doanh nghiệp, tăng 5,56 lần so với cơ sở được điều tra, đánh giá
năm 2005. Dự án hỗ trợ công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng
lượng tại các cơ sở sản xuất kẹo dừa Thiên Long, thạch dừa Minh Châu đã
tiết kiệm 22-26,8% năng lượng và 56-80% chi phí sản xuất so với chi phí
cố định; dự án sản xuất thức ăn tôm, cá từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại
địa phương theo quy mô công nghiệp công suất 500 kg/giờ có chi phí mua
sắm và lắp đặt bằng 40% dây chuyền cùng loại nhập từ Trung Quốc; dự án
thuần dưỡng tôm sú bố mẹ, tạo đàng tôm sú giống sạch bệnh; đề tài
nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản quả dừa tươi uống
nước phục vụ cho xuất khẩu đang tổ chức hỗ trợ 02 doanh nghiệp xuất
khẩu hàng sang thị trường Hàn Quốc. Quy trình xử lý nước thảy sản xuất
cơm dừa nạo sấy, nước thảy sản xuất thạch dừa, kẹo dừa.
Có
4 sản phẩm đạt được cúp và huy chương vàng và 12 doanh nghiệp được Bộ
KH&CN tặng bằng khen. Về công tác tiêu chuẩn hóa đã có 951 tiêu
chuẩn được doanh nghiệp xây dựng và áp dụng cho sản phẩm hàng hóa,
trong đó có 191 tiêu chuẩn được doanh nghiệp công bố áp dụng tiêu chuẩn
TCN, TCVN và 760 tiêu chuẩn được doanh nghiệp tự xây dựng, áp dụng và
công bố tiêu chuẩn cơ sở. Công tác sở hữu công nghiệp, hỗ trợ xây dựng
thương hiệu đến nay có 195 nhãn hiệu, 25 kiểu dáng công nghiệp, 02 sáng
chế giải pháp hữu ích và 10 nhãn hiệu tập thể được cấp giấy chứng nhận,
nâng tổng số nhãn hiệu trong tỉnh được bảo hộ lên 1.750. Nhiều doanh
nghiệp đã khai thác tốt giá trị thương mại của nhãn hiệu như: kẹo dừa
Thanh Long, kẹo dừa Bến Tre, kẹo dừa Vĩnh Tiến, bưởi Da Xanh Ba Rô, hợp
tác xã cây giống Cái Mơn, hợp tác xã nghêu Rạng Đông, sầu riêng Chín
Hóa. Giải thưởng sáng tạo KHCN đã có 17 Doanh nghiệp tiêu biểu có thành
tích ứng dụng KHCN được xét chọn và khen thưởng trong Hội thi Sáng tạo
Khoa học Kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần II.
Qua
các hội chợ, những sản phẩm công nghệ, giống cây ăn trái quý hiếm, các
sản phẩm chế biến từ các nguyện liệu đặc sản của tỉnh nhà được quảng bá
rộng rãi, được rất nhiều khách hàng quan tâm như mặt hàng chỉ xơ dừa
trưng bày đã được doanh nghiệp Composite Cần Thơ sử dụng thử nghiệm để
sản xuất tấm composite chỉ xơ dừa thay sợi thủy tinh và sợi tổng hợp;
đất sạch đã được doanh nghiệp ươm tạo khoa học ghi nhận sẽ sử dụng cho
sản xuất phân hữu cơ trồng rau sạch. Nhiều hợp đồng với khách hàng được
hình thành từ các phiên chợ công nghệ. Thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án KHCN và Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật của tỉnh đã phát triển các dòng sản phẩm mới có giá trị tăng cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như bột sữa dừa, bột nhão cacao, thức ăn cho cá từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, trà bưởi, mứt bưởi, phân bón từ mụn dừa, vỏ cacao, bầu cây tự phân hủy.
Các
đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn bước đầu đã cung cấp các
luận cứ khoa học phục vụ cho công tác hoạch định chủ trương, chính
sách, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể và chuyên ngành.
Kết quả, các đề tài đã được đưa vào ứng dụng như: “Xây dựng chương
trình bồi dưỡng nghiệp vụ bí thư - chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn” đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại Trường Chính trị
tỉnh Bến Tre; “Khảo sát tình hình thực hiện pháp luật cơ sở và nâng cao
năng lực thực hiện”; “Nghiên cứu phân tích, đánh giá hiện trạng, đề
xuất các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư phát triển KTXH tỉnh Bến
Tre”; “Điều tra hiện trạng, xây dựng các giải pháp xóa đói, giảm nghèo,
thu ngắn khoảng cách về sự phân hóa giàu nghèo của tỉnh Bến Tre”.
Trong
lĩnh vực y học đã nghiên cứu triển khai giải pháp bảo vệ xương sọ bằng
phương pháp lạnh sâu; quy trình sử lý ống nội sôi mềm bằng hồ thuốc đã
được ứng dụng và mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Đã triển khai
thực hiện 3 đề tài, dự án KHCN đã tạo ra 2 mô hình tiến bộ khoa học kỹ
thuật và 12 giải pháp KHCN được đưa vào ứng dụng như: Điều tra đa dạng
sinh học vùng cửa sông ven biển 3 huyện ven biển Bến Tre; đánh giá tài
nguyên ốc gạo trên địa bàn Chợ Lách với trữ lượng ốc gạo từ 15-53
tấn/200 ha, khai thác bình quân 10-15 tấn/năm; điều tra sạt lở bờ sông
và xây dựng hành lang an toàn đã phát hiện trên toàn tỉnh có trên 197
Km đường bờ bị sạt lở nghiêm trọng, 16 đoạn, hố xói sâu nguy hiểm trên
các sông, rạch chính, qua đó, xác định hành lang an toàn cho 49 điểm
xung yếu sạt lở chính của 9 huyện, thị; đánh giá diễn biến và dự báo
xâm nhập mặn ứng dụng công nghệ GIS.
Ứng dụng chế phẩm EM đã giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường về mùi hôi, ruồi nhặng ở bãi rác Phú Hưng giảm đáng kể, tiết kiệm chi phí 700.000
đồng/tháng so với sử dụng vôi và thuốc bảo vệ thực vật như trước đây.
Thử nghiệm chế phẩm EM trong xử lý môi trường trong chăn nuôi hộ gia
đình và trang trại cho thấy cải thiện môi trường một cách đáng kể, nhất là mùi hôi và ruồi. Kết
quả nổi bật trong trong lĩnh vực công nghệ thông tin là đã nghiên cứu
ứng dụng công nghệ GIS xây dưng bản đồ dịch tể quản lý dịch bệnh trên
đàn gia súc tỉnh Bến tre; ứng dụng công nghệ GIS quản lý dịch bệnh trên
cây ăn trái và ứng dụng công nghệ GIS trích lọc thông tin quy hoạch
trên bản đồ giải thửa.
Đã
tham gia triển khai thực hiện 05 dự án Quốc tế: Chương trình hỗ trợ các
dự án nhỏ do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ; 2 Chương trình
“Phát triển dịch vụ Khuyến nông cacao bền vững cho các nông hộ tại tỉnh
Bến Tre” của Tổ chức Success Alliance (Mỹ); dự án hợp phần sản xuất
sạch hơn trong công nghiệp. Phối hợp thực hiện dự án “Ứng dụng Điện mặt trời phục vụ người nghèo vùng sâu, vùng xa” tại cù lao An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Các dự án đã thu hút nguồn lực từ bên ngoài là 14,836 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đề án cũng còn có những hạn chế trong việc chuyển giao thành quả KHCN
vào sản xuất nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp chưa có đột phá về công
nghệ; chưa tạo ra sức lan tỏa lớn, quy mô sản suất còn nhỏ, lẻ. Mặt khác, vẫn còn đề tài, dự án triển khai không đúng tiến độ và không đạt yêu cầu, dẫn đến hạn chế hiệu quả đóng góp KHCN cho phát triển KTXH. Kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ tuy có tăng hơn trước nhưng so với tốc độ tăng bình quân thì vẫn còn thấp, như việc đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất các trạm, trại triển khai thực nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu, mạng lưới quản lý khoa học và công nghệ cấp cơ sở chưa phát huy tốt.
Kết
cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật yếu và thiếu đồng bộ chưa đảm bảo an toàn
cho sản xuất và sinh hoạt. Đời sống nhân dân có nâng lên nhưng mức thu
nhập vẫn chưa cao làm hạn chế việc huy động các nguồn lực cho công cuộc
CNH-HĐH ở địa phương. Trong nông nghiệp, mặc dù sản xuất hàng hóa có
phát triển nhưng vẫn ở quy mô nhỏ, các loại hình sản xuất nông nghiệp
quy mô vừa và lớn phát triển chưa nhiều như doanh nghiệp, trang trại,
hợp tác xã.
Sắp
tới, HĐND tỉnh sẽ xem xét kết thúc đề án phát triển KHCN giai đoạn
2006-2010 và thông qua đề án phát triển KHCN giai đoạn 2010-2020. Để
thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành thì cần có sự hỗ trợ, giúp
đỡ của các Bộ, ngành Trung ương đối với dự án Hoàn thiện và chuyển giao
công nghệ chế biến mụn dừa thành giá thể và phân bón hữu cơ sinh học
phục vụ nông nghiệp; dự án Chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình sản
xuất và tiêu thụ một số loại nấm tại tỉnh Bến Tre; dự án Xây dựng kho
trữ đông bảo quản vùng trái cây tập trung của tỉnh; dự án Phát triển,
tổ chức quản lý và quảng bá nhãn hiệu tập thể Cái Mơn cho sản phẩm cây
giống, hoa kiểng của Hợp tác xã cây giống hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chợ
Lách, tỉnh Bến Tre; dành tỷ lệ thích đáng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ hoàn thiện kết quả KHCN có khả năng thương mại hóa và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các doanh nghiệp KHCN, công ty tư vấn chuyển giao KHCN ở địa phương.