Thứ năm, 17/10/2013 15:39 GMT+7

Khởi động triển khai đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon

Chiều 18/10/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ tổ chức Lễ khởi động Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam.


Mỗi năm nước ta có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế cần được thương mại hóa

Đề án do Bộ KH&CN giao Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và Văn phòng Phối hợp phát triển môi trường KH&CN nghiên cứu, triển khai. Đề án hướng đến mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) được đào tạo để nâng cấp chính sản phẩm của mình, được các cố vấn truyền đạt bí quyết kinh doanh tư vấn trong chương trình thúc đẩy khởi nghiệp (BA) nhằm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm để xây dựng hệ thống doanh nghiệp KH&CN thành công. Doanh nghiệp KH&CN thành công là phải có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình, chiến lược kinh doanh khả thi và có đội ngũ đủ năng lực thực hiện mô hình và chiến lược đó.

Việc triển khai đề án này còn tạo môi trường để thu hút chất xám thông qua xây dựng hệ thống BA. Hệ thống này bao gồm các doanh nhân thành đạt, các nhà đầu tư mạo hiểm thành công, các luật sư, các chuyên gia công nghệ,… đến từ Silicon Valley (Mỹ). Ngoài ra, việc triển khai đề án này thành công sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kết hợp hiệu quả nguồn vốn ngân sách để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tư nhân, đặc biệt từ nước ngoài.

Thung lũng Silicon là trung tâm công nghệ cao của Mỹ. Đồng thời là một thị trường, nơi các công nghệ mới gặp gỡ với nhà đầu tư mạo hiểm và kết hợp lại trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp với mức tăng trưởng nhanh chóng.

Theo mô hình Thung lũng Silicon được đề xuất xây dựng tại Việt Nam, nhà khoa học không chỉ là những người nghiên cứu mà còn là những doanh nhân, kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình, có thể tự quản lý hoặc phát triển công trình nghiên cứu đó một cách độc lập. Mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các start up có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ ngay từ khi còn là ý tưởng. Các start up thành công sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng đổi mới và thay đổi nền kinh tế, từ các sản phẩm với giá trị thấp, tiêu tốn nhiều nhân công thành các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị cao.

Lượt xem: 1713

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)