Thứ tư, 16/10/2013 08:23 GMT+7

Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đông Nam Bộ lần thứ XII

Ngày 11/10/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức “Hội nghị giao ban hoạt động Khoa học và Công nghệ các tỉnh/ thành phố vùng Đông Nam Bộ” lần thứ XII.


Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành phố; đại diện lãnh đạo Sở KH&CN 8 tỉnh Đông Nam Bộ cùng nhiều đại diện các tỉnh lân cận. Mục đích của Hội nghị nhằm đánh giá lại kết quả hoạt động và những đóng góp của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức quản lý hoạt động KH&CN của các địa phương; Đề xuất định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển KH&CN nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ cho việc phát triển nhanh và bền vững Vùng.

Ngoài các báo cáo tổng hợp tình hình KH&CN của vùng giai đoạn 2011 – 2013, gần 40 kiến nghị của đại biểu các Sở xung quanh một số vấn đề như: Phát triển nguồn nhân lực; Chuyển đổi các tổ chức KH&CN; Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng được gửi đến Bộ KH&CN.

Từ năm 2011-2013, tổng kinh phí chi đầu tư phát triển KH&CN cho các tỉnh/ thành phố trong Vùng là 2.285 tỷ đồng (kinh phí thực hiện được hơn 1.721 tỷ đồng) và tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN cân đối qua ngân sách địa phương đạt trên 1.341 tỷ đồng (kinh phí thực hiện được trên 938 tỷ đồng).

Cũng trong giai đoạn này, các tỉnh, thành phố trong Vùng đã triển khai 696 đề tài, dự án. Tuy vậy, các tỉnh, thành đánh giá thời gian qua, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong địa phương đối với hoạt động KH&CN còn chưa đồng bộ. Việc lồng ghép giữa các dự án KH&CN với các chương trình kinh tế, xã hội khác (xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm…) chưa được thực hiện tốt. Đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu, chưa quy tụ được các chuyên gia đầu ngành có trình độ cao trong nhiều lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ - kỹ thuật cao, công nghệ sinh học, y tế, giáo dục đào tạo, KH&CN. Các định mức chi cho công tác nghiên cứu đã lạc hậu, thủ tục thanh quyết toán còn gặp nhiều khó khăn…

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Hội nghị lần này không chỉ ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được thời gian qua mà còn đánh giá lại những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong hoạt động KH&CN của từng địa phương. Các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ cần chú trọng triển khai các hoạt động gắn liền với đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Lấy sản phẩm công nghệ tại doanh nghiệp làm sản phẩm chủ lực cho địa phương… Tiến tới liên kết và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức KH&CN cho các địa phương khác trong vùng.

Đông Nam Bộ hiện là vùng trọng điểm phát triển kinh tế và dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP cũng như nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội khác. Hàng năm, toàn vùng đóng góp gần 60% khoản thu ngân sách của cả nước, các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM luôn là những nơi dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đã đạt, những hạn chế, tồn tại, yếu kém trong hoạt động KH&CN của từng địa phương, những hoạt động chung của cả Vùng Đông Nam Bộ giai đoạn vừa qua. Đồng thời trao đổi về các giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KH&CN đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2020…

Cùng với đó là trao đổi kinh nghiệm, bài học về tổ chức quản lý hoạt động KH&CN; các biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai các hoạt động KH&CN; những giải pháp đẩy mạnh chuyển giao và nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống của các địa phương để cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm...

Cũng tại hội nghị, các sở KH&CN cũng đề xuất với UBND các tỉnh, Thành phố, Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn về cơ chế phát triển nguồn nhân lực, cơ chế tài chính như sửa đổi thông tư hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư phát triển KH&CN tại địa phương; xây dựng cơ chế quản lý khoa học, cơ chế tài chính phù hợp, đặc biệt là cơ chế khoán kinh phí cho các đề tài, dự án...

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đề nghị các địa phương cần coi định hướng đề ra trong Hội nghị là nhiệm vụ ưu tiên giải quyết từ nay đến năm 2015; cần tiếp tục đề cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trọng tâm của hoạt động KH&CN, chủ thể của đổi mới công nghệ; hoạt động KH&CN của các địa phương cần bám sát các chương trình KH&CN lớn của quốc gia và tinh thần đổi mới của Luật KH&CN.

Lượt xem: 1222

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)