Thứ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Tọa đàm
Tới dự Buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Ngài Đại sứ Hòa Kỳ David Shear và ông Michael Mudd, Chủ tịch Ủy ban Công nghệ thông tin và Truyền thông (thuộc AmCham) cùng với các đại biểu đến từ các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam, trên 100 đại diện của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Hoa Kỳ và nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã đến tham dự.
Phát biểu tại Buổi tọa đàm, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định: “Giá trị doanh nghiệp tạo ra từ bằng độc quyền sáng chế, bí quyết công nghệ, bản quyền ngày càng cao hơn giá trị tạo ra từ lợi thế về nguyên liệu, đất đai, khoáng sản, dầu mỏ hay nguồn lao động giản đơn… Pháp luật bảo hộ quyền SHTT là nền tảng để xây dựng hệ thống sáng tạo quốc gia và phát triển bền vững nền kinh tế. Bảo hộ quyền SHTT cũng là điều kiện cần thiết để xây dựng một nền kinh tế tri thức trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của mỗi quốc gia trọng điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới”. Cùng chia sẻ với Thứ trưởng Bộ KH&CN, Ngài David Shear cũng cho rằng: “Thế kỷ 21, nền kinh tế thế giới sẽ được dẫn dắt bởi các ý tưởng, để bảo vệ các ý tưởng sáng tạo và khuyến khích những ý tưởng mới phát triển, chúng ta phải bảo vệ quyền SHTT và thúc đẩy môi trường khuyến khích sự sáng tạo nảy nở và phát triển mạnh mẽ”.
Toàn cảnh Buổi tọa đàm
Trao đổi nội dung liên quan đến SHTT và đổi mới sáng tạo, các đại biểu đã được thảo luận xung quanh nội dung liên quan những xu thế trong bảo vệ quyền SHTT và đổi mới sáng tạo dưới góc nhìn của cơ quan nhà nước Việt Nam và của doanh nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp và các cơ quan thực thi quyền SHTT (Thanh tra Bộ KH&CN, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có những trao đổi về một số nội dung cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT trong thời gian tới và mối quan hệ hợp tác trong phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giữa các cơ quan thực thi và cộng đồng doanh nghiệp.
Thông qua buổi tọa đàm có thể thấy SHTT và đổi mới sáng tạo có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một chính sách bảo hộ và thực thi quyền SHTT phù hợp sẽ kích thích hoạt động sáng tạo tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học, thúc đẩy việc thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ, nâng cao giá trị, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế và đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN, phát minh, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích cộng đồng.