Hội
nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11 có tổng số 209
báo cáo được trình bày (143 báo cáo thuyết trình - oral và 66 báo cáo
dán bảng - poster) trong đó có 18 báo cáo được trình bày tại phiên toàn
thể, 191 báo cáo còn lại được trình bày tại 7 tiểu ban:
-Tiểu ban A:
Điện hạt nhân, Lò phản ứng và Đào tạo nguồn nhân lực với tổng số 32 báo
cáo (24 báo cáo oral và 8 báo cáo poster) về chủ đề nhà máy điện hạt
nhân; vật lý lò phản ứng; thủy nhiệt; những tai nạn nghiêm trọng; lò
phản ứng nghiên cứu và lò phản ứng nhỏ.
Các báo cáo viên tiêu
biểu như Trần Chí Thành, Bùi Thị Hoa, Huỳnh Tôn Nghiêm (Viện Năng lượng
nguyên tử Việt Nam) với các báo cáo: “Đánh giá tính toàn vẹn của thùng
lò phản ứng VV-1200/V491 trong sự cố LB LOCA xảy ra đồng thời với SBO sử
dụng chương trình MELCOR 1.8.1”, “Xây dựng chương trình đảm bảo chất
lượng trong tính toán quản lý vùng hoạt và nhiên liệu cho lò phản ứng
hạt nhân Đà Lạt sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp”; Báo cáo viên Cheol
Park (Viện Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc) với báo cáo “Tổng quan về
những đặc điểm thiết kế của lò phản ứng nghiên cứu KIJANG”; Báo cáo viên
James Scobel (Hoa kỳ) với báo cáo “Đánh giá về các biện pháp kiểm soát
nồng độ hydro trong tòa nhà lò AP1000 sau những bài học về tai nạn
Fukushima”.
Số lượng báo cáo được đề xuất để xuất bản trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ hạt nhân (NST) là: 20
- Tiểu ban B: Vật lý hạt nhân, Số liệu hạt nhân, Máy
gia tốc và Phân tích hạt nhân với 32 báo cáo (20 báo cáo oral, 12 báo
cáo poster) với kết quả nổi bật về vật lý hạt nhân bao gồm cả lý thuyết
và thực nghiệm với phạm vi nghiên cứu khá rộng.
Về các kỹ thuật đo đạc trong vật lý hạt nhân với những kỹ thuật mới rất đáng kể.
Về
các phương pháp phân tích hạt nhân trong đó các phương pháp phân tích
kích hoạt neutron bằng phương pháp Ko và dụng cụ được trình bày có tính
hệ thống và nhiều ứng dụng được thực hiện.
Các báo cáo viên xuất sắc như: Kenji Ishibashi, Hideyuki Sakamoto, Akira Sato, Takahisa Itahashi, Keiji Takahisa.
Số lượng báo cáo được đề xuất để xuất bản trên Tạp chí NST là: 19
-Tiểu ban C: Ghi đo bức xạ, An toàn bức xạ và Quan
trắc môi trường với 31 báo cáo (13 báo cáo oral và 18 báo cáo poster)
với kết quả nổi bật:
Trong lĩnh vực Ghi đo bức xạ đã có các nghiên
cứu chế tạo thiết bị quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường; thiết bị
đo liều chiếu xạ bởi chùm tia điện tử. Những nghiên cứu về khả năng
phân biệt dạng xung.
Trong lĩnh vực An toàn bức xạ đã có các nghiên
cứu một số kỹ thuật mới trong đánh giá liều lượng bức xạ như: Kỹ thuật
đo liều cá nhân sử dụng liều kế quang phát quang; Phương pháp định liều
sinh học.
Trong lĩnh vực Quan trắc phóng xạ môi trường đã có nghiên
cứu sử dụng kỹ thuật đồng vị bền trong nghiên cứu đánh giá xói mòn đất
cho kết quả khả quan so với các phương pháp đánh giá xói mòn đất sử dụng
các đồng vị phóng xạ đánh dấu truyền thống.
Số lượng báo cáo được đề xuất để xuất bản trên Tạp chí NST là: 12
-Tiểu ban D1: Ứng dụng công nghệ bức xạ, ứng dụng kỹ
thuật hạt nhân trong công nghiệp và các lĩnh vực khác với tổng số 21 báo
cáo (13 oral, 8 poster) với những kết quả nổi bật:
Phản ánh được các kết quả nghiên cứu ứng dụng đang tiến hành ở các đơn vị của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Một
số báo cáo nêu được hướng nghiên cứu advance trong lĩnh vực xử lý bức
xạ vật liệu nano, chụp cắt lớp bức xạ, đánh dấu kết hợp mô phỏng, công
nghệ từ trường, liều kế gamma.
Số lượng báo cáo được đề xuất để xuất bản trên Tạp chí NST là: 12
-Tiểu
ban D2: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế với 19 báo cáo oral với
những kết quả nổi bật về Y học hạt nhân chẩn đoán, sản xuất đồng vị
phóng xạ và dược chất phóng xạ có chất lượng tốt nhất, tiếp theo là các
đề tài về sản xuất dược chất phóng xạ và xạ trị ung thư. Hầu hết là các
nghiên cứu hoàn chỉnh của đề tài cấp Bộ hoặc một phần của đề tài cấp nhà
nước về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân (đồng vị phóng xạ) trong chẩn đoán
và điều trị bệnh, nhất là ung thư và tim mạch.
Các báo cáo viên xuất sắc như: Trần Đình Hà, Nguyễn Đình Thu, Nguyễn Quang Hùng, Mai Hồng Sơn, Bùi Quang Biểu.
-Tiểu
ban D3: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp với tổng số 26 báo
cáo (18 oral và 8 poster) với những kết quả nổi bật trong các lĩnh vực
chuyên sâu:
Nghiên cứu áp dụng xử lý chiếu xạ gây đột biến nhằm chọn
giống cây trồng (lúa, đậu tương, hoa cây cảnh) có năng suất cao, phẩm
chất tốt, kháng sâu bệnh phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và
chuyển dịch cơ cấu Nông nghiệp nông thôn.
Xử lý biến tính vật liệu
polymer sinh học tạo sản phẩm vật liệu sinh học mới (b-glucan, xanthan,
chitosan cắt mạch, fibroin tơ tằm, hydrogel nhạy nhiệt) có các đặc tính
cần thiết cho định hướng ứng dụng trong nông sinh y và xử lý môi trường.
Chiếu
xạ thực phẩm, kiểm dịch thực vật sử dụng cả kỹ thuật chiếu xạ gamma và
máy gia tốc để gia tăng giá trị hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu.
Các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng khác như đánh giá tổn thương vật liệu di truyền DNA bằng bức xạ.
Các báo cáo viên tiêu biểu như: Lê Xuân Thám và CS, báo cáo Poster của tác giả Đoàn Thị Thế và CS.
Số lượng báo cáo được đề xuất xuất bản trên Tạp chí NST là: 13
-Tiểu
ban E: Hóa học phóng xạ và Hóa học hạt nhân, Chu trình nhiên liệu, Công
nghệ vật liệu hạt nhân và Quản lý chất thải phóng xạ với 20 báo cáo
oral, 12 báo cáo poster về công nghệ chế biến quặng urani Việt Nam và
thiết kế pilot chuẩn bị cho việc chế biến quặng urani quy mô pilot,
nghiên cứu điều chế bột UO2 từ ADU và AUC và đánh giá nhiên liệu
TVS-2006 trạng thái vận hành và trạng thái chuyển tiếp trên cơ sở sử
dụng chương trình tính FRAPCON và FRAPTRANS, xử lý chất thải lỏng của
quá trình chế biến đất hiếm, chế biến quặng urani, tẩy xạ, phân tích
đánh giá chất thải dạng khối lớn,...
Về vật liệu lò phản ứng: 03 báo
cáo về vấn đề hàn vật liệu kim loại có tính chất khác nhau, tuổi thọ của
gạch grafit, ảnh hưởng thành phần đến tính chất của vật liệu ở điều
kiện vận hành nhiệt độ cao…
Về chế biến quặng đất hiếm: 05 báo
cáo về vấn đề thủy luyện quặng đất hiếm Yên Phú, phân chia tinh chế đạt
độ sạch cao, loại bỏ U và Th bằng kỹ thuật chiết dung môi và vật liệu
dạng capsul tự chế tạo, điện phân muối nóng chảy, phân tích tạp chất đất
hiếm trong vật liệu đất hiếm có độ sạch cao,…
Nhìn chung, các
báo cáo trình bày ở Hội nghị lần này đều có chất lượng tốt hơn so với
các Hội nghị trước đây, được chuẩn bị công phu, với phần tiếng Anh rõ
ràng và chính xác. Phần trình bày được bố cục rõ ràng, hợp lý, các
phương pháp nghiên cứu được thiết kế cẩn thận với kết quả có độ tin cậy
cao. Nhiều báo cáo đã thể hiện được ứng dụng thực tiễn.
Chất
lượng trình bày của các báo cáo viên khá tốt, thảo luận sôi nổi. Đặc
biệt, các nghiên cứu viên trẻ cũng đã trình bày rất tốt thể hiện rõ năng
lực, ý thức tích cực tiếp thu các ý kiến đóng góp. Có thể nói hầu hết
các báo cáo trình bày (Oral) đều có thể đáp ứng yêu cầu đăng tải trên
tạp chí chuyên ngành. Thành công lớn của Hội nghị là đã có 03 Tạp chí
khoa học quốc tế (ISI) chuyên ngành hạt nhân nhận phản biện một số báo
cáo khoa học được trình bày tại Hội nghị có chất lượng tốt để đăng tải.
Nhiều nghiên cứu sinh, người làm nghiên cứu hậu tiến sỹ Việt Nam đang
học tập, công tác ở nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản) đã viết bài và trở
về tham dự, báo cáo kết quả tại Hội nghị và thảo luận, đề xuất phương
hướng nghiên cứu trong 2 năm tới.
Đặc biệt, tại Hội nghị Khoa học
và Công nghệ hạt nhân lần thứ 11 này, yếu tố quốc tế được thể hiện rõ
nét với sự tham gia của các đại biểu đến từ những quốc gia có nền khoa
học và công nghệ hạt nhân tiên tiến đã và đang tích cực tham gia vào
việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Điều đáng chú ý là một buổi
tọa đàm với chủ đề “An toàn điện hạt nhân: Khoa học, công nghệ, văn hóa
và trường hợp Việt Nam” đã được tổ chức tại Hội nghị với các bài tham
luận của 10 đại biểu của Viện Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Tập
đoàn Điện lực Việt Nam và một số đại biểu quốc tế đến từ Liên bang Nga,
Nhật Bản, Thụy Điển, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc và Công ty Westing House,
thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu quốc tế và trong nước.
Đây là một trong những sáng kiến và kinh nghiệm tốt của Ban Tổ chức Hội
nghị, để làm cơ sở đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép nâng cấp
Hội nghị này thành Hội nghị Khu vực hoặc Quốc tế vào những lần tiếp
theo./.