Thứ tư, 10/04/2013 07:40 GMT+7

Tọa đàm Truyền thông khoa học Australia: Chiến lược phát triển truyền thông khoa học quốc gia và giải pháp thực hiện

Chiều 08/4/2013 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (KH&CN)- Bộ KH&CN tổ chức tọa đàm “Truyền thông khoa học Australia: Chiến lược phát triển truyền thông khoa học quốc gia và giải pháp thực hiện”.


Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Chiến lược phát triển truyền thông khoa học quốc gia, xây dựng và quản lý bảo tàng khoa học và tổ chức tuần lễ khoa học quốc gia.


Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải cho biết, truyền thông khoa học chưa bao giờ được nhấn mạnh như bây giờ trong các văn bản, chính sách. Vì thế, nhiệm vụ đổi mới, thúc đẩy truyền thông KH&CN được đặt ra rất bức thiết. Trong đó, đối tượng truyền thông khoa học hướng đến bao gồm từ nhà quản lý về KH&CN, đến các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, truyền thông khoa học là lĩnh vực quan trọng, tuy nhiên, trong lĩnh vực này Việt Nam lại chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng một chiến lược truyền thông KH&CN hiệu quả.


GS Graham Durant chia sẻ tại Tọa đàm

Chia sẻ kinh nghiệm của Australia trong nâng cao nhận thức của lãnh đạo các bộ, ngành về KH&CN, Giáo sư Graham Durant AM, Giám đốc Trung tâm KH&CN Quốc gia Australia Questacon - Bộ Giáo dục, Khoa học, Sáng chế và Ngành nghề Australia cho biết, Chính phủ Australia luôn quan tâm chú trọng đến phát triển KH&CN, với quan điểm khoa học đặc biệt quan trọng trong việc duy trì, nâng cao chất lượng xã hội, kinh tế và môi trường.

Giáo sư Graham Durant AM nhấn mạnh: Truyền thông là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Australia. Chính phủ Australia xây dựng những Trung tâm để nhà khoa học chia sẻ suy nghĩ, trao đổi học thuật và được huấn luyện về công tác truyền thông để có thể trao đổi với báo chí. Các nhà khoa học chủ động trong việc kết nối với giới truyền thông...

Bên cạnh đó, Giáo sư cũng đã chia sẻ thêm về việc phát triển và quản lý các Bảo tàng khoa học. Ông cho rằng bảo tàng khoa học là nơi có thể tổ chức hoạt động truyền thông khoa học, có thể khơi dậy và thúc đẩy lòng đam mê khoa học ở các nhóm đối tượng hoặc cá nhân. Việc thiết lập một bảo tàng khoa học là một thách thức đáng kể nhưng việc duy trì hoạt động còn khó hơn nhiều. Khi thiết lập một bảo tàng khoa học cần xem xét nơi đó cần hỗ trợ như thế nào để có thể hoạt động được.

Lượt xem: 978

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)