Tại buổi tọa đàm, ông Đặng Quang Huấn – Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&CN đã có báo cáo đề dẫn về kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 5 năm (2005 – 2010) và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011 – 2020. Theo đó, KH&CN đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. 10 năm vừa qua là giai đoạn chấn hưng của khoa học tự nhiên, với sự đầu tư ngày càng tăng của Nhà nước cho nghiên cứu cơ bản và việc đưa Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia đi vào hoạt động với phương thức quản lý hoạt động nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế. Kết quả hoạt động KH&CN của nhiều bộ, ngành, địa phương đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, xây dựng, y dược.
Trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã có những đề xuất quan trọng phục vụ kịp thời, bổ sung và phát triển lý luận trong sự nghiệp đổi mới, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 418/QĐ-TTG phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược đã đề ra những mục tiêu cụ thể như: phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020; giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 15-17%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10-15% giai đoạn 2011-2015. Đến năm 2020, hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với KH&CN; 5.000 doanh nghiệp KH&CN; 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao,…
Về định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN, chiến lược nêu rõ thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Về tổ chức KH&CN, tái cấu trúc và quy hoạch lại hệ thống tổ chức KH&CN quốc gia theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lặp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế; Tập trung đầu tư phát triển Viện KH&CN Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam trở thành hai tổ chức KH&CN hàng đầu quốc gia và ASEAN; Nâng cao năng lực của các trường đại học về nghiên cứu cơ bản; Xây dựng tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm ít nhất một tổ chức KH&CN mạnh gắn với tiềm năng, lợi thế của vùng, liên kết chặt chẽ với các trường đại học để đào tạo nhân lực, thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Khuyến khích, hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; Phát triển mạnh doanh nghiệp KH&CN, chủ yếu từ các trường đại học, viện nghiên cứu.
Về cơ chế hoạt động KH&CN, sẽ triển khai mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực KH&CN; phát triển các hình thức hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực giữa khu vực công và tư; chuyển cơ chế cấp phát tài chính để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sang cơ chế quỹ; triển khai nhanh chóng và đồng bộ hệ thống các quỹ KH&CN sang cơ chế quỹ; triển khai nhanh chóng và đồng bộ hệ thống các quỹ KH&CN bao gồm các quỹ quốc gia, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; chuyển các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiên cứu ứng dụng KH&CN theo đặt hàng của Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức khác.
Ông Phạm Văn Quân – Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Công đoàn Viên chức Việt Nam ghi nhận kết quả hoạt động của 3 công đoàn đã có nhiều đóng góp vào hoạt động của công đoàn Việt Nam. Đồng thời, ông Phạm Văn Quân đánh giá cao hoạt động giao lưu này. Đây là mô hình hoạt động tốt, cần được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới để phổ biến cho các mô hình công đoàn khác trong khối công đoàn Viên chức học tập.