Ông Marc Ponchet, Phó Giám đốc AFNI cho biết, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng của Pháp tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân Seoul vào tháng 3/2012, hai bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử (NLNT) với 2 ưu tiên về đào tạo và an toàn. Mục đích của chuyến công tác lần này của đoàn là làm việc với các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu đào tạo và xây dựng một chương trình tổng thể về nhu cầu đào tạo của Việt Nam. Ông Marc Ponchet cũng đề xuất với Bộ trưởng về đào tạo các giảng viên và xây dựng các cơ sở đào tạo tại Việt Nam trong lĩnh vực NLNT.
Bộ trưởng Nguyễn Quân đã bày tỏ cám ơn đến những hỗ trợ của Pháp cho Việt Nam về đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho lĩnh vực NLNT trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị các hoạt động để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đầu tiên tại Ninh Thuận, đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là các chuyên gia về an toàn hạt nhân, và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là những ưu tiên hàng đầu hiện nay. Bộ trưởng hy vọng, với sự hỗ trợ của nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển như Pháp, Việt Nam sẽ có được đội ngũ chuyên gia giỏi và hệ thống VBQPPL tương đối hoàn thiện để đảm bảo an toàn cho các giai đoạn của NMĐHN. Bộ trưởng cũng mong muốn, bên cạnh hỗ trợ về đào tạo và xây dựng VBQPPL, Pháp sẽ chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm về thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân.
Cùng ngày, các chuyên gia của Pháp đã đến làm việc với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân về nhu cầu và kế hoạch đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước cũng như kế hoạch hợp tác giữa 2 bên.
Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Lê Chí Dũng cho biết, nhu cầu hiện nay của Cục là đào tạo các chuyên gia tham gia vào thẩm định an toàn và tham gia vào xây dựng hệ thống VBQPPL áp dụng cho NMĐHN với 3 hình thức: đào tạo ngắn hạn (basic training) cung cấp kiến thức cơ bản cần thiết của cơ quan pháp quy hạt nhân, đào tạo trung hạn (on-the-job training) tập trung vào công việc cụ thể và đào tạo dài hạn các cán bộ có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ, có điều kiện thực tập và làm việc thực tế. Phó Cục trưởng cũng nhấn mạnh nhu cầu của Cục không chỉ đào tạo các cán bộ quản lý mà cả những cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan pháp quy.