Thứ tư, 06/06/2012 11:48 GMT+7

Nâng cao hiệu quả đầu tư cho Khoa học và Công nghệ

Đó là một trong những kiến nghị được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học “Đầu tư và cơ chế tài chính phát triển Khoa học và Công nghệ” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đồng tổ chức ngày 5/6/2012, tại Hà Nội.


Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh và
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Phạm Văn Linh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hoàng Văn Phong - Phái viên tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia; đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN; GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu - Chuyên gia cao cấp của Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia; cùng gần 120 đại biểu là lãnh đạo, nhà khoa học thuộc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…

Sự kiện này là một phần quan trọng trong khuôn khổ việc xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10/2012. Hội thảo được tổ chức nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong huy động đầu tư, những bất cập về cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN để có cơ sở đề xuất các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Qua hơn 20 ý kiến, tham luận tại Hội thảo, có thể thấy thời gian qua đặc biệt là sau khi Nghị quyết Trung ương 2, Khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ra đời (năm 1996) đến nay, KH&CN đã có những thành tựu không nhỏ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song bên cạnh đó, cũng còn những vấn đề KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, đầu tư cho KH&CN còn dàn trải, cào bằng, thiếu tập trung, ít đầu tư đến tận cùng cho sản phẩm nghiên cứu. Đầu tư cho KH&CN chủ yếu từ ngân sách nhà nước (NSNN) nên còn nhiều ràng buộc bởi những quy định về cơ chế tài chính của ngân sách và chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; cơ chế tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN còn nhiều rào cản nên dẫn đến tình trạng thiếu trung thực trong việc thanh quyết toán các nhiệm vụ nghiên cứu; một số nội dung chi, định mức chi và thủ tục chi còn nhiều bất cập; chưa huy động được tối đa các nguồn lực của xã hội, đặc biệt của doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN nên thiếu nguồn lực để phát triển…

Trước thực trạng đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện tại. Cụ thể, cần đổi mới toàn diện và đồng bộ tổ chức và hoạt động KH&CN để đảm bảo chi có hiệu quả 2% tổng chi NSNN cho KH&CN, đồng thời khắc phục tình trạng nhiều kết quả nghiên cứu không được ứng dụng vào thực tiễn; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư KH&CN, có các chính sách đột phá để tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân; sửa đổi, bổ sung các tiêu thức cụ thể để xác định nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN cho phù hợp với nhu cầu, khả năng quản lý và thực hiện của từng cấp; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của các đề tài, dự án KH&CN; quy định cơ chế kiểm soát nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho phát triển KH&CN của cả Nhà nước và doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm, vai trò của hội đồng khoa học và trả thù lao xứng đáng với thành viên hội đồng; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN…

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh cho rằng, đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN là vấn đề toàn xã hội đều quan tâm, đặc biệt là giới khoa học. Hai nội dung đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nói về vấn đề này có rất nhiều ý kiến cũng như giải pháp tháo gỡ khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Linh, có 6 nhóm giải pháp lớn nhằm đổi mới hoạt động đầu tư và tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính hiện nay: Nâng cao nhận thức về đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN; Có cơ chế tài chính phù hợp để nhà khoa học sống được bằng nghề của mình; Tập trung đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư cho KH&CN. Chú trọng đến sản phẩm đầu ra của đề tài, dự án KH&CN; Huy động tối đa nguồn lực của toàn xã hội đầu tư cho KH&CN. Có cơ chế đặc thù với khu vực tư nhân; Có chính sách ưu đãi đối với những lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đi đôi với công tác thi đua khen thưởng.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp,… Theo Bộ trưởng, cơ chế tài chính hiện nay còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động KH&CN. Nội dung chi, định mức chi và thủ tục chi còn nhiều bất cập. Vì thế, trong Đề án đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã đề xuất một số giải pháp mang tính đổi mới rất quyết liệt về cơ chế đầu tư và cơ chế tài chính.

Bộ trưởng cho rằng, nếu xác định được những vấn đề lớn về đầu tư và cơ chế tài chính cho phát triển KH&CN, chắc chắn chúng ta sẽ có những giải pháp mang tính đột phá làm thay đổi một cách căn bản tình trạng khó khăn hiện nay. Bộ trưởng cũng bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các nhà quản lý, nhà khoa học và cùng Bộ KH&CN, các Bộ, ngành liên quan chung tay xây dựng chính sách đổi mới KH&CN, để KH&CN tiếp tục khẳng định được vị trí là động lực then chốt của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lượt xem: 1080

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)