Thứ hai, 17/03/2014 11:02 GMT+7

Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế về lĩnh vực an ninh hạt nhân

Hướng đến Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba, 24-25/3/2014, tại La Hay- Hà Lan, Trang thông tin điện tử của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân giới thiệu các hoạt động của Việt Nam thực thi các cam kết được nêu trong Tuyên bố chung tại các...

Chính sách nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoàn bình, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân đã được tuyên bố trong Luật Năng lượng nguyên tử 2008 cũng như trong Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất tại Hoa Kỳ năm 2010 và lần thứ hai tại Hàn Quốc năm 2012. Điều này đã thể hiện thiện chí và cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các thỏa thuận đã được nêu trong Tuyên bố chung tại các Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân Washington và Seoul. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất tại Washington đến nay, nhiều hoạt động liên quan đến an ninh hạt nhân đã được các cơ quan có liên quan của Việt Nam triển khai thực hiện, bao gồm:

1. Tăng cường khuôn khổ pháp lý và pháp quy về an ninh hạt nhân: Ngoài các quy định chung về an ninh hạt nhân được thể hiện trong Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử” và ban hành Quy chế hoạt động kiểm soát hạt nhân. Tiếp theo đó Bộ KH&CN đã ban hành một số các thông tư hướng dẫn liên quan. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an ninh hạt nhân hiện có của Việt Nam về cơ bản là dựa trên cơ sở các Tài liệu Hướng dẫn về An ninh hạt nhân của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đặc biệt là các khuyến cáo về an ninh hạt nhân, bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và pháp quy trong nước về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân phù hợp với các Tài liệu Hướng dẫn mới nhất của IAEA.

2. Nâng cao năng lực quốc gia về an ninh hạt nhân: Trên cơ sở đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt năm 2010, các Bộ ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó có việc tăng cường năng lực để thực thi các biện pháp bảo đảm an ninh hạt nhân. Thêm vào đó, với sự hợp tác của IAEA, Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp, đặc biệt là phát triển phương pháp luận về đánh giá các nguy cơ làm cơ sở thiết kế (DBT) cho nhà máy điện hạt nhân và tham gia Mạng quốc tế các Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật về an ninh hạt nhân, với kế hoạch xây dựng Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật về An ninh và thanh sát hạt nhân của Việt Nam.

3. Tăng cường kiểm soát các nguồn phóng xạ: Việt Nam đã thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia đối với các nguồn phóng xạ và các thông tin chi tiết về hành chính của tất cả các cơ sở có nguồn phóng xạ. Việt Nam ủng hộ và thực hiện một cách thiện chí Quy tắc Ứng xử về An toàn và an ninh nguồn phóng xạ và Hướng dẫn bổ sung về xuất khẩu và nhập khẩu nguồn phóng xạ của IAEA. Trong khuôn khổ của Sáng kiến giảm thiểu nguy cơ toàn cầu, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam đã nâng cấp hệ thống bảo vệ thực thể cho 24 cơ sở có nguồn phóng xạ loại 1 (các nguồn phóng xạ có hoạt độ lớn hơn 1000 Ci). Ngày 26/2/2014, Việt Nam, Hàn Quốc và IAEA đã ký “Ý định thư” để triển khai thử nghiệm việc sử dụng Hệ thống định vị nguồn phóng xạ (RADLOT) tại Việt Nam, nhằm góp phần quản lý an ninh các nguồn phóng xạ di động sử dụng trong hoạt động kiểm tra không phá hủy. Đây là một hoạt động nhằm thực hiện cam kết của Thủ tướng Việt Nam và Tổng thổng Hàn Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Seoul.

4. Chống buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân: Việt Nam chia sẻ thông tin về việc buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ thông qua việc tham gia vào cơ sở dữ liệu ITDB của IAEA. Đầu năm 2013, trong khuôn khổ Dự án chung IAEA-EU về an ninh hạt nhân, 08 cổng phát hiện phóng xạ đã được lắp đặt và đưa vào vận hành tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Thông qua việc hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Cảng lớn, Việt Nam cũng đóng góp vào nỗ lực quốc tế trong đấu tranh chống buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và phóng xạ. Đến cuối năm 2013, 12 cổng phát hiện phóng xạ đã được lắp đặt và đưa vào vận hành thử tại Cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đồng thời, thông qua hợp tác với IAEA, Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ tuyến đầu và Đội chuyên gia hỗ trợ cơ động (MEST), bảo đảm tính bền vững của hệ thống phát hiện phóng xạ và ứng phó hiệu quả đối với các cảnh báo phóng xạ.

5. Đóng góp vào việc giảm thiểu sử dụng nhiên liệu độ giàu cao (HEU): Trong khuôn khổ Chương trình giảm thiểu nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, Việt Nam đã tham gia chương trình chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà lạt từ loại nhiên liệu độ giàu cao (HEU) xuống sử dụng loại nhiên liệu độ giàu thấp (LEU). Trong năm 2012 Việt Nam đã thực hiện thành công việc chuyển đổi nhiên liệu từ HEU sang LEU cho Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Tháng 7/2013, toàn bộ nhiên liệu urani có độ giàu cao đã qua sử dụng đã được chuyển trả lại Nga. Đến nay, Việt Nam hoàn hoàn không có nhiên liệu HEU nữa. Việc này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, như một sự kiện nổi bật trong cộng đồng hạt nhân quốc tế năm 2013.

6. Tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế về an ninh hạt nhân: Việt Nam là quốc gia thành viên của Sáng kiến Toàn cầu chống khủng bố hạt nhân và đã tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến này, bao gồm các Phiên họp Toàn thể tổ chức tại Hàn Quốc năm 2011 và Mê-hi-cô năm 2013, và các hội thảo về giám định hạt nhân, chống khủng bố hạt nhân. Về xây dựng tài liệu Phát triển Kiến trúc phát hiện hạt nhân, Việt Nam đã đóng góp kinh nghiệm về “Vai trò nhận thức của dân chúng trong việc cung cấp thông tin cảnh báo”.

7. Hỗ trợ các hoạt động của IAEA: Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc xây dựng các Tài liệu Hướng dẫn về an ninh hạt nhân của IAEA thông qua việc tham gia vào Ủy ban Hướng dẫn An ninh hạt nhân và các cuộc họp tư vấn của IAEA trong quá trình xây dựng các Tài liệu về an ninh hạt nhân của IAEA. Trên cương vị thành viên (2013-2015) và Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA (2013-2014), Việt Nam đã và sẽ tích cực đóng góp cho vấn đề bảo đảm an ninh hạt nhân.

8. Tích cực, chủ động thực hiện các điều ước quốc tế và Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Việt Nam cam kết thực hiện Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo của mình. Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của Hiệp định Thanh sát tháng 9/2012. Tháng 10/2012, Việt Nam đã gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phê chuẩn Phần sửa đổi của Công ước. Tháng 10/2013, Việt Nam đã gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực để tiến tới tham gia Công ước quốc tế về Ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân. Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của mình tại Hội thảo khu vực về thúc đẩy phê chuẩn Phần sửa đổi của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân do IAEA tổ chức ở Trung Quốc năm 2013. Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân. Gần đây chúng ta đã tham gia Diễn đàn hợp tác các cơ quan pháp quy hạt nhân của các nước trong khối ASEAN (Tên của Diễn đàn là ASEANTOM) nhằm thúc đẩy hợp tác về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, đồng thời là cầu nối để tăng cường hợp tác với IAEA cũng như các tổ chức hạt nhân của các khu vực khác trên thế giới về an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân.

Các hoạt động và kết quả nêu trên trong lĩnh vực an ninh hạt nhân mà chúng ta đã đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất đến nay là những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào việc thực hiện các cam kết của cộng đồng quốc tế về bảo đảm an ninh hạt nhân được nêu trong các Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Washington và Seoul. Đây sẽ là những kinh nghiệm mà chúng ta có thể chia sẻ với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân La Hay sắp tới. Điều này cũng khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm an ninh hạt nhân, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Nó sẽ tạo niềm tin và sự hợp tác sâu rộng của quốc tế đối với Việt Nam trong thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nhà máy điện hạt nhân nói riêng.

Lượt xem: 1286

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)