Khóa tập huấn được tổ chức với mục đích giúp các học viên nhận thức rõ những chủ trương, định hướng phát triển KH&CN và các nội dung cần tập trung đẩy mạnh truyền thông trong thời gian tới. Đồng thời, trang bị các kiến thức, kỹ năng và cập nhật thông tin mới nhất trong lĩnh vực truyền thông nói chung và truyền thông KH&CN nói riêng; nâng cao kỹ năng làm báo và cách thức phối hợp hiệu quả giữa các đầu mối cung cấp thông tin trong Bộ KH&CN với phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí trong ngành KH&CN.
Tại khóa tập huấn, bà Trần Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã báo cáo về tình hình thực hiện công tác truyền thông KH&CN năm 2011, các hoạt động sẽ triển khai truyền thông năm 2012 và xây dựng kế hoạch truyền thông KH&CN năm 2013.
Theo báo cáo, thời gian qua các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ đã có những đóng góp đáng kể trong công tác chuyển tải thông tin về hoạt động của Bộ KH&CN cũng như của ngành KH&CN đến với công chúng. Nhờ đó, thông tin KH&CN được đăng tải kịp thời, phong phú, dễ hiểu và có những phản hồi tích cực từ công chúng như các bài viết về chính sách KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, năng lượng nguyên tử, công nghệ cao, KH&CN địa phương,… Đặc biệt, đã có nhiều bài viết về các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN hoạt động hiệu quả, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN mang lại hiệu quả kinh tế lớn,…
Ngoài việc duy trì tốt và tăng ấn phẩm báo, tạp chí, các đơn vị còn chú trọng đến việc phát triển tốt các kênh thông tin trên internet (hiện có 36 website của các đơn vị thuộc Bộ). Cùng với đó, hàng năm còn có rất nhiều ấn phẩm mang giá trị lớn, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ cũng như các đối tượng khác trong ngành KH&CN do Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật thực hiện.
Với vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác truyền thông của Bộ, Trung tâm Truyền thông đã nỗ lực hoàn thành tốt nghiệm vụ truyền thông KH&CN phục vụ chương trình tuyên truyền của Bộ. Trong năm 2011, Trung tâm đã có hơn 1.080 tin và 521 bài viết đăng tải trên chuyên trang hợp tác với các báo: Lao động cuối tuần, Tin tức (ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam), Hà Nội mới, Đối ngoại Việt Nam, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Vietnamnet.vn, Đất Việt, cổng thông tin của Bộ, cổng thông tin của Trung tâm,… Cùng với đó, Trung tâm thường xuyên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam và các báo đối tác thực hiện nhiều phóng sự, tọa đàm, chương trình truyền hình trực tiếp, giao lưu trực tuyến về các sự kiện, nội dung liên quan đến hoạt động KH&CN.
Theo bà Trần Thị Xuân, nhờ có sự phối hợp, cung cấp thông tin sớm, đầy đủ từ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, đơn vị phụ trách KH&CN của các Bộ, ngành nên hoạt động truyền thông KH&CN đã được đẩy mạnh. Thông tin KH&CN, đặc biệt là chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ KH&CN được chuyển tải kịp thời, sâu rộng. Nguyện vọng của các tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp,… hoạt động trong lĩnh vực KH&CN đều được tiếp nhận, xử lý và đăng tải để cung cấp cho các đơn vị quản lý KH&CN cũng như phục vụ việc xây dựng các chính sách về KH&CN.
Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan tới hoạt động KH&CN đã được Trung tâm tiến hành thường xuyên. Đến nay, Trung tâm đã lưu trữ được hơn 1.000 chuyên trang, bài viết, video clip, audio về hoạt động KH&CN. Trung tâm cũng đã tổ chức thành công nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ truyền thông ở trong và ngoài nước cho cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, phóng viên trong ngành KH&CN; bước đầu triển khai Giải thưởng báo chí về KH&CN và nhiều nhiệm vụ truyền thông theo kế hoạch và đột xuất do lãnh đạo Bộ giao.
Tại khóa tập huấn, các giảng viên đã trình bày những vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí đối với hoạt động truyền thông, một số biện pháp tăng cường sự tham gia của báo chí đối với truyền thông KH&CN; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ truyền thông KH&CN; định hướng chung về phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2015 và những vấn đề cần truyền thông;… Các giảng viên cũng đã đưa ra những ví dụ cụ thể để học viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về KH&CN một cách hiệu quả.
Phát biểu tại khóa tập huấn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến khẳng định, truyền thông KH&CN có vai trò rất quan trọng, là một trong 6 giải pháp chủ yếu để nâng cao, phát triển KH&CN. Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trong Bộ cần tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Truyền thông và các đơn vị báo chí để góp phần đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông KH&CN.