Thứ sáu, 22/06/2012 11:16 GMT+7

Việt Nam – Nhật Bản: Hướng tới hợp tác lâu dài về truyền thông Khoa học và Công nghệ

Nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác do bà Trần Thị Xuân – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông Khoa học và Công nghệ (CESTC) dẫn đầu, Đài NHK (Nhật Bản) đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Xuân về hoạt động truyền...


Đại diện Viện Đào tạo Truyền thông của Đài NHK giới thiệu hoạt động đào tạo của Viện. Ảnh: Mai Hà

- Mục đích của đoàn trong chuyến thăm và làm việc lần này tại Nhật Bản là gì, thưa bà?

Chuyến thăm và làm việc của Đoàn chúng tôi nhằm mục đích tìm hiểu thông tin về KH&CN cũng như công tác tổ chức truyền thông trong lĩnh vực KH&CN, đồng thời trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ truyền thông KH&CN. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài trong lĩnh vực truyền thông KH&CN, đặc biệt là với một số cơ quan của Nhật Bản như Cơ quan KH&CN Nhật Bản (JST) và các đơn vị truyền thông thuộc JST, Đài NHK và Viện đào tạo truyền thông của NHK,... Các hình thức hợp tác dự kiến sẽ đề xuất như: trao đổi chuyên gia (mời chuyên gia giỏi về truyền thông KH&CN của Nhật Bản vào Việt Nam báo cáo tham luận trong các hội thảo quốc tế, giảng dạy trong các đợt tập huấn cho phóng viên Việt Nam và ngược lại, chuyên gia Việt Nam sẽ tham dự các hội thảo quốc tế do Nhật Bản tổ chức); hỗ trợ Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản về nghiệp vụ truyền thông KH&CN; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại; hai bên phối hợp tổ chức các sự kiện quốc tế về lĩnh vực KH&CN;….

Trong chuyến thăm lần này, chúng tôi đến thăm và làm việc với các cơ quan KH&CN và cơ quan truyền thông của Nhật Bản, như: Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, KH&CN Nhật Bản (MEXT); JST và một số đơn vị thuộc JST: Trung tâm Truyền thông Khoa học Nhật Bản, Viện Bảo tàng Quốc gia về khoa học và sáng tạo tiên tiến (Miraikan), Trường Đại học Saitama; Đài NHK và một số đơn vị thuộc NHK: Trung tâm Nghiên cứu KH&CN (STRL) và Viện Đào tạo truyền thông (CTI); Công ty Thiết kế nội dung truyền thông và Tư vấn thông tin Vicom;..

- Bà có thể cho biết đôi điều về công tác truyền thông KH&CN tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là hoạt động truyền thông của Bộ KH&CN?

KH&CN ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam và được xem là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững… Hoạt động truyền thông KH&CN vì vậy cũng được quan tâm và chú trọng đầu tư, là một trong sáu giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 720 cơ quan báo chí, trong đó có nhiều ấn phẩm đã có chuyên trang KH&CN, đặt song song với các chuyên mục khác như văn hóa, giáo dục, y tế,… với tần số phát hành từ 1-2 tuần/trang; Trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam, chuyên mục KH&CN được phát sóng 1-2 lần/tuần, thời lượng từ 10-45 phút/lần. Trong số đó, có nhiều chuyên trang, chuyên mục do CESTC phối hợp thực hiện như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV2), Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Lao động, Nhân dân, Đất Việt, Kinh tế Việt Nam, Vietnamnet.vn,… Ngoài ra, còn rất nhiều chuyên trang KH&CN trên Cổng Thông tin điện tử của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố, sở KH&CN các địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức KH&CN,… Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN còn thể hiện qua các hội thảo, hội nghị, tập huấn,…

Có thể khẳng định, hoạt động truyền thông KH&CN của Việt Nam đã trải đều, rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, trở thành công cụ đắc lực để chuyển tải thông tin KH&CN đến với công chúng, đưa KH&CN ứng dụng rộng rãi vào phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

Còn với Bộ KH&CN, Bộ đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông KH&CN. Thời gian qua, công tác này đã có những chuyển biến lớn. Các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ đã có sự đóng góp đáng kể trong công tác chuyển tải thông tin về hoạt động KH&CN của các Bộ/ngành và địa phương trong cả nước. Nội dung các tin, bài được phản ánh kịp thời, thông tin đa dạng, phong phú.

Với vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác truyền thông của Bộ KH&CN, ngoài việc tham gia thực hiện các chuyên trang, chuyên mục như đã nói ở trên, CESTC thường xuyên phối hợp với các đài, báo thực hiện nhiều phóng sự, tọa đàm, truyền hình trực tiếp, giao lưu trực tuyến, tổ chức sự kiện về hoạt động KH&CN. Trước mỗi sự kiện của Bộ KH&CN, CESTC đều chịu trách nhiệm xây dựng chương trình và kế hoạch truyền thông. Sau mỗi sự kiện, đều tổ chức đánh giá kết quả truyền thông và rút kinh nghiệm. Ngoài hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, CESTC còn thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị tuyên truyền phổ biến kiến thức về KH&CN; tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông KH&CN cho các phóng viên, biên tập viên, cán bộ KH&CN,…

Tuy nhiên, hoạt động truyền thông KH&CN ở Việt Nam hiện còn một số khó khăn như đội ngũ làm truyền thông KH&CN, đặc biệt là các phóng viên, biên tập viên còn thiếu về mặt số lượng và cần được nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. Ngoài ra, sự gắn bó giữa các cơ quan quản lý về KH&CN với các cơ quan truyền thông còn chưa được chặt chẽ, thường xuyên;… Những khó khăn này đã được Việt Nam đặt ra và đang tìm giải pháp khắc phục.

‑ Theo như bà nói ở trên, truyền thông có vai trò quan trọng đối với sự phát triển KH&CN. Vậy, theo bà đây có phải là một lĩnh vực dễ dàng không?

Có thể khẳng định truyền thông có sức mạnh đặc biệt trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có KH&CN. Không chỉ cung cấp thông tin về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, truyền thông còn có vai trò định hướng dư luận và đưa các cơ chế, chính sách, các quy định của Nhà nước đến với công chúng. Đây cũng là công cụ hữu hiệu, cầu nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và người dân.

Tuy nhiên, truyền thông về KH&CN là một lĩnh vực không dễ, thậm chí khô khan, bởi thông tin KH&CN cần đảm bảo tính khoa học, chính xác và chuyên sâu. Ngoài việc đưa thông tin thời sự về KH&CN hàng ngày, hàng giờ, còn cần phải biết kết hợp đưa thông tin KH&CN với những chuyên đề sâu, thông tin đảm bảo 100% tính xác thực, thận trọng và không đưa tin giật gân. Vì vậy, muốn làm tốt công tác truyền thông KH&CN, người làm truyền thông cần phải có những kiến thức nhất định đối với lĩnh vực cần truyền thông.


Các đơn vị của Đài NHK (Nhật Bản) và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Mai Hà

- Trước chuyến công tác, Đoàn đã tìm hiểu được những gì về hoạt động truyền thông KH&CN của Nhật Bản, thưa bà?

Được biết, hoạt động truyền thông KH&CN, quảng bá các sản phẩm công nghệ mới được Chính phủ Nhật Bản cũng như các tổ chức, doanh nghiệp dành sự quan tâm, đầu tư rất lớn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Nhật Bản có một số hoạt động nổi bật như:

Hình thành một hệ thống các bảo tàng khoa học trên khắp cả nước: Viện Bảo tàng Quốc gia về khoa học và sáng tạo tiên tiến (Miraikan) thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm giới thiệu những thành tựu KH&CN mới nhất, được thể hiện theo những cách dễ hiểu, gần gũi với người dân; tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các nhà khoa học với công chúng; phối hợp với các trường đại học để nâng cao kiến thức về khoa học cho sinh viên;... Các bảo tàng khoa học địa phương cũng được tổ chức ở nhiều khu vực trên khắp cả nước. Học sinh, sinh viên có cơ hội được tiếp xúc thực tế với các thành tựu KH&CN, đồng thời được học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học từ chính các nhà khoa học.

Tổ chức "Chương trình Đối tác Khoa học" nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các viện bảo tàng khoa học với các trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông, tạo môi trường để làm việc cùng nhau trong các hoạt động học tập và nghiên cứu, mở rộng cơ hội cho trẻ em tiếp xúc với KH&CN.

Ngoài ra, còn một loạt các hoạt động khác mà chúng tôi được biết như: Sử dụng công nghệ truyền thông mới nhất để cung cấp thông tin KH&CN qua một "Trung tâm Khoa học ảo"; sản xuất các chương trình hình ảnh trình bày “Truyền thông thông tin cho công chúng về KH&CN” thông qua truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp và internet; tổ chức thuyết trình công khai các kết quả nghiên cứu khoa học tại các trường đại học; tổ chức các sự kiện trên toàn quốc như: "Tuần lễ Khoa học và Công nghệ", "Ngày năng lượng nguyên tử", "Ngày không gian",…

Những thông tin chúng tôi thu được còn rất ít, vì thế chúng tôi hy vọng sau chuyến thăm và làm việc này sẽ thu thập được nhiều thông tin bổ ích cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực truyền thông KH&CN của Nhật Bản.

- Được biết, hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản đã ký kết Hiệp định chính phủ về KH&CN vào năm 2006 và hai bên đã tổ chức được 3 kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp về KH&CN. Tuy nhiên, lĩnh vực truyền thông KH&CN, hai nước chưa chính thức hợp tác. Bà có kỳ vọng gì sau chuyến công tác này không, thưa bà?

Kể từ khi Hiệp định được ký kết, hợp tác về KH&CN đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Nhiều đề tài hợp tác giữa các tổ chức KH&CN của hai bên được triển khai tích cực và thu được kết quả tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học vật liệu, chăn nuôi – thú y, công nghệ vũ trụ,... Số lượng các nhà khoa học Việt Nam sang Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản sang Việt Nam để tiến hành các hoạt động nghiên cứu chung ngày càng tăng. Số lượng sinh viên Việt Nam sang học tại Nhật Bản cũng tăng nhanh, và đây cũng chính là một trong những nguồn nhân lực quan trọng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung giữa hai nước.

Tại phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác KH&CN Việt Nam – Nhật Bản, tổ chức ngày 30/8/2011 tại Tokyo, hai bên cùng thống nhất nhận định rằng trong những năm tới, hợp tác KH&CN sẽ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hai nước trên cơ sở sự phát triển của quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức KH&CN của hai bên.

Với tinh thần đó, chuyến công tác này chúng tôi hy vọng sẽ tạo lập được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu dài về hoạt động truyền thông KH&CN với một số cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi mong muốn hai nước thường xuyên trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông KH&CN, đặc biệt là việc tham gia các hội thảo khoa học do hai bên tổ chức.

Chúng tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như của các cơ quan KH&CN, các tổ chức truyền thông, các doanh nghiệp của Nhật Bản thông qua các chương trình hợp tác KH&CN Việt Nam–Nhật Bản, như hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại;…. Mong muốn hai nước phối hợp tổ chức các sự kiện quốc tế liên quan đến lĩnh vực KH&CN như: triển lãm quốc tế giới thiệu những thành tựu KH&CN mới, tiên tiến; Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế (International Techmart);…

Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực truyền thông KH&CN thông qua các nhiệm vụ Nghị định thư, dự án KH&CN; mong các chuyên gia của Nhật Bản quan tâm, giúp đỡ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực này thông qua các hình thức hội thảo quốc tế, tập huấn,…

Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, hoạt động hợp tác ngắn hạn cũng như dài hạn về truyền thông KH&CN Việt Nam - Nhật Bản được đẩy mạnh, tạo điều kiện giúp chúng tôi có được những cơ sở truyền thông KH&CN hiệu quả, chất lượng cao, nhằm góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông KH&CN của Việt Nam.

- Vâng, xin cảm ơn bà!

Lượt xem: 1528

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)