Thứ hai, 11/02/2013 20:14 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Quân: “Chặng đường khoa học phía trước còn nhiều gian nan”

Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành động lực của nền kinh tế, người làm quản lý các bộ ngành, địa phương hãy giao quyền tự chủ cho giới khoa học... Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn...

Dưới đây là nội dung bài viết của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân:

Năm 2012 qua đi với những sự kiện KH&CN nổi bật có ý nghĩa quan trọng đối với giai đoạn phát triển nước rút của thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Dấu ấn quan trọng nhất đó là Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thống nhất cao và ban hành Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012 về "Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Cũng trong năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020. Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã thảo luận cho ý kiến Luật KH&CN (sửa đổi). Đồng hành với các sự kiện này có thể kể đến hai công trình lớn của đất nước khẳng định vai trò và trình độ phát triển của KH&CN Việt Nam như dàn khoan tự nâng 90 mét nước được hạ thủy tháng 4/2012 và Nhà máy thủy điện Sơn la lớn nhất Đông Nam Á được khánh thành tháng 12/2012. Đây là hai công trình lớn do cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam thực hiện, đưa Việt Nam vào hàng các quốc gia có thứ hạng cao trên thế giới trong lĩnh vực thủy điện và chế tạo dàn khoan dầu khí.

Cộng đồng nhà khoa học hồ hởi đón nhận Nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học với những nội dung đổi mới mang tính đột phá, tràn đầy hy vọng sẽ có hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sáng tạo của mình, góp phần thực hiện mục tiêu đến 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chắc chắn cộng đồng khoa học sẽ chung tay cùng chính phủ thể chế hóa Nghị quyết của Đảng bằng cơ chế chính sách cụ thể, bằng việc triển khai các chương trình KH&CN quốc gia tạo ra hàng loạt sản phẩm giá trị gia tăng lớn, năng suất cao, chất lượng cạnh tranh, bằng việc xây dựng hệ thống các Viện nghiên cứu xuất sắc, các tập thể khoa học mạnh, doanh nghiệp KH&CN, khu công nghệ cao và công viên khoa học, bằng việc hình thành đội ngũ cán bộ KH&CN giỏi ngang tầm khu vực và quốc tế.

Nhưng phải thừa nhận rằng chặng đường phía trước còn nhiều thách thức. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn chưa hồi phục, nền kinh tế chúng ta còn phải đương đầu với sự suy giảm, nợ xấu, đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp, vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, vừa phải đảm bảo an sinh xã hội. KH&CN phải làm gì để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực sự là trụ cột của các giải pháp đột phá?

Trong muôn vàn thách thức của chặng đường phía trước, tôi chỉ xin đề cập đến một vấn đề, đó là làm thế nào thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế, để những người quản lý và điều hành có được sự đồng thuận cao trong việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, chấp nhận từ bỏ tư duy cũ và thói quen cũ gây ách tắc hoạt động sáng tạo.

Làm thế nào để giới quản lý quan tâm đặt hàng những nhiệm vụ KH&CN xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống, ban hành cơ chế chính sách kịp thời và phù hợp trên quan điểm phục vụ cộng đồng khoa học.

Làm thế nào để giới khoa học tự giác thoát khỏi "vòng kim cô" của kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, để mỗi người dân đều thấy không thể thiếu ý tưởng sáng tạo trong cuộc sống của họ và để mỗi doanh nghiệp cảm nhận được trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà.

Khối lượng văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng sẽ thật đồ sộ, bắt đầu từ Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, từ Luật KH&CN sửa đổi và hàng trăm nghị định, thông tư, mà mỗi văn bản ấy đều thấm đẫm sự nhọc nhằn của những nhà khoa học và quản lý, là những ngày đêm trăn trở, những hội thảo căng thẳng với sự phản biện thuyết phục và là sự chắt lọc ý tưởng và kinh nghiệm của nhiều thế hệ quản lý.

Chắc chắn rằng nhiều tư tưởng đổi mới sẽ gặp phải rào cản, không dễ được chấp nhận cho dù tư tưởng ấy vốn là thông lệ các nước đi trước chúng ta. Ví dụ, việc tài trợ cho hoạt động nghiên cứu thông qua các quỹ phát triển KH&CN là một cơ chế tích cực được thực hiện ở hầu hết các nước phát triển và thực tế kiểm nghiệm có hiệu quả.

Ngay ở Việt Nam, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia NAFOSTED mới hoạt động 4 năm đã chứng tỏ sự đúng đắn của cơ chế quỹ khi giúp giới khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản tăng số lượng công bố quốc tế lên gấp 3 lần so với giai đoạn trước đây và hỗ trợ thành công cho dự án quy mô lớn, nhất là nghiên cứu chế tạo dàn khoan tự nâng 90 mét nước phục vụ khai thác dầu khí.

Hay cơ chế khoán chi đối với đề tài, dự án nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, vốn là niềm khát khao của nhiều thế hệ các nhà khoa học, từ đó họ có thể tạo ra sản phẩm cuối cùng mà không bị lệ thuộc vào thủ tục hành chính phiền hà. Hiện tượng Quyết định 846/QĐ-TTg của Thủ tướng về thí điểm cơ chế khoán trong lĩnh vực nông nghiệp ban hành hai năm nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn chi tiêu tài chính cũng là một ví dụ điển hình về rào cản vô hình đối với một cơ chế đổi mới.

Thủ tướng giao Bộ KH&CN hợp tác với Hàn Quốc xây dựng một viện nghiên cứu tiên tiến theo mô hình Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST). Bài học thành công của KIST thật đơn giản, nhưng chắc chắn không phải dễ áp dụng, đó là phải có cơ chế hoạt động và tài chính quy định bằng luật đặc thù. Thứ hai, phải có sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu quốc gia. Thứ ba phải quy tụ được một tập thể các nhà khoa học giỏi nhất của đất nước. Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận có 'ốc đảo" xanh tươi giữa sa mạc nắng cháy, tuy nhiên cần bắt đầu từ "ốc đảo" ấy để lấn dần sa mạc.

Vấn đề là cần tập trung đầu tư cơ chế và tiền bạc cho một cơ sở nghiên cứu khoa học trong khi đất nước còn nghèo và trình độ phát triển còn thấp. Điều đó đòi hỏi sự chia sẻ, chấp nhận, và cả sự hy sinh của nhà quản lý. Vấn đề là chúng ta có muốn đất nước sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại hay không?

Để phát triển đất nước nhanh và bền vững, KH&CN trở thành động lực của nền kinh tế, người làm quản lý ở các bộ ngành, địa phương hãy đặt niềm tin vào các nhà khoa học, giao quyền tự chủ cho họ, thậm chí giao quyền lực thực sự cho họ, hãy tạo cơ hội cho các tổng công trình sư, những nhà khoa học đầu ngành để họ cống hiến cho đất nước những công trình xứng tầm. Đó chính là sự ưu đãi lớn nhất mà chúng ta dành cho cộng đồng khoa học.

Năm mới, tôi chân thành cảm ơn các độc giả của báo VnExpress năm qua ủng hộ những ý tưởng đổi mới và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho những chính sách mới về KH&CN. Chúc quý độc giả một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và đồng hành cùng chúng tôi trên con đường còn nhiều thử thách, nhưng hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

Lượt xem: 1527

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)