Với nội dung chính “gìn giữ thế giới hòa bình và an toàn trước khủng bố hạt nhân”, hội nghị sẽ thu hút sự tham dự của 58 nhà lãnh đạo cấp cao đến từ 53 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Những thảo luận cuối cùng cho Tuyên bố Seoul sẽ tập trung vào các biện pháp cụ thể để ngăn chặn khủng bố hạt nhân, tăng cường hệ thống bảo vệ cho các cơ sở hạt nhân, ngăn chặn buôn bán trái phép nguyên liệu hạt nhân, mối tương quan giữa an toàn và an ninh hạt nhân hay quản lý chất phóng xạ.
“Là nước đứng thứ năm thế giới trong lĩnh vực sử dụng hạt nhân và năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, hiện Hàn Quốc đang triển khai rất nghiêm túc và tích cực cho dự án hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân với chính phủ Việt Nam. Tại Seoul tới đây, hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình này. Tôi hi vọng dự án sẽ sớm thành hiện thực trong thời gian tới”, Đại sứ Hàn Quốc cho biết.
So với hội nghị đầu tiên tổ chức tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ, tháng 4/2010) mà đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự, hội nghị lần này còn ghi nhận thêm một số quốc gia và tổ chức mới là Đan Mạch, Lithuania, Azerbaijan, Rumania, Gabon và tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol.