Thứ sáu, 10/09/2010 09:58 GMT+7

Nâng cao tính cạnh tranh của ngành thuỷ sản Việt Nam nhờ hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Ngày 08/9/2010, tại thành phố Cần Thơ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng Công ty IBM, đối tác FXA và SplendID tổ chức Hội thảo khoa học về Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh...

Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp thuỷ sản hoạt động tại thị trường Việt Nam chia sẻ những cơ hội, thách thức, tầm nhìn trong hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, tìm kiếm các giải pháp công nghệ thông tin phù hợp với ngành thuỷ sản và cập nhật các thông tin về quy định của Nhà nước, thị trường xuất khẩu thuỷ sản và định hướng của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thuỷ sản.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã nghe giới thiệu về ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất trên thế giới về truy xuất nguồn gốc thực phẩm như công nghệ truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng sóng radio với các cảm biến và phần mềm truy xuất, giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu thuỷ sản có thể nắm rõ thông tin quan trọng về lô hàng sản phẩm như nguồn gốc, ngày đánh bắt, nhiệt độ vận chuyển,… Nhờ đó các doanh nghiệp thuỷ sản có thể đảm bảo thuỷ sản xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường quốc tế vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ tươi ngon, qua đó tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn hơn cho người tiêu dùng toàn cầu.

Đồng thời, các doanh nghiệp thuỷ sản đã được tiếp cận khung giải pháp truy xuất thực phẩm bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra chuỗi cung ứng thuỷ sản an toàn nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận một cách tổng thể với chuỗi cung ứng thực phẩm dựa trên công nghệ số, vì mỗi thành tố của chuỗi cung ứng sẽ được gắn một thiết bị theo dõi duy nhất.

Giải pháp này giúp các cơ sở hạ tầng của chuỗi cung ứng được kết nối chặt chẽ với nhau hơn nhờ có sự trao đổi thông tin thông suốt giữa những người cung cấp dịch vụ và người yêu cầu dịch vụ. Đồng thời, khung giải pháp này cũng mang lại một hệ thống quản lý thông minh, với các dịch vụ bảng điều khiển trung tâm và các công cụ báo cáo hiệu quả nhằm sử dụng một cách chính xác các dữ liệu phân tích theo thời gian thực từ các bộ cảm biến.

Ông Tạ Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết: “Yêu cầu về hệ thống truy xuất sản phẩm thuỷ sản không chỉ đơn thuần là rào cản kỹ thuật mà các quốc gia nhập khẩu đưa ra mà còn giúp các doanh nghiệp thuỷ sản tiết kiệm chi phí sản xuất và chủ động theo dõi quản lý tốt chất lượng sản phẩm, dễ dàng phát hiện và xử lý sự cố xảy ra khi chế biến thuỷ sản để nhanh chóng thu hồi”. “Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hiệp hội thủy sản và các tập đoàn công nghệ hàng đầu để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng triển khai ứng dụng công nghệ truy nguồn gốc trong ngành chế biến thuỷ sản”, ông Dũng khẳng định.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Thái Lan, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã được giao hợp tác với các đối tác Thái Lan và Công ty IBM triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến vào việc truy xuất nguồn gốc thuỷ sản cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay dự án áp dụng thí điểm tại Công ty Cổ phần Chế biến Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) đã thành công và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Nhờ áp dụng công nghệ truy xuất thực phẩm thông qua dự án hỗ trợ của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam và FXA, sản lượng xuất khẩu của Bình An đã tăng 10-15%. Thành công ban đầu này sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.

Lượt xem: 998

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)