Hội thảo nhằm cung cấp thông tin đầy đủ mục tiêu, nội dung của các Chương trình, đồng thời chia sẻ một số quy định mới của Bộ cũng như kinh nghiệm trong xây dựng thuyết minh, tổ chức triển khai nhiệm vụ cấp quốc gia và bàn luận một số vấn đề mang tính chất chuyên môn sâu gắn với ứng dụng KH&CN để phát triển sản xuất, cũng như khai thác các giá trị, nguồn lực nhân văn nhằm khơi dậy nguồn lực nội sinh phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Sỹ Quốc, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội thảo trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng và hùng cường như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ “nguồn lực và động lực quan trọng để đất nước vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới là ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất mới; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, mọi người dân Việt Nam chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”.
Theo ông Ngô Sỹ Quốc, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng thảo luận, chia sẻ các định hướng, giải pháp và kinh nghiệm liên quan đến việc ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực trọng yếu của ngành nông nghiệp, năng lượng và phát triển nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ này không chỉ có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên - một trong những vùng kinh tế - sinh thái có ý nghĩa chiến lược của quốc gia.
Ông Ngô Sỹ Quốc, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, nguồn nước, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như các giá trị nhân văn. Việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và khai thác các giá trị nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là vô cùng cấp thiết. Tỉnh mong muốn các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giúp khai thác tối ưu lợi thế và tiềm năng của Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội thảo.
Tiếp nối các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia qua nhiều giai đoạn, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt 17 Chương trình KH&CN cấp quốc gia, trong đó có 07 Chương trình khoa học xã hội và nhân văn thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 và 10 Chương trình KH&CN thực hiện trong giai đoạn 2021 -2030. Đây là một sự đổi mới khi thời hạn thực hiện Chương trình kéo dài 10 năm thay vì 05 năm như giai đoạn trước.
Theo đó, Chương trình “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước” mã số: KX.03/21-30; Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” mã số: KC.05/21-30; Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp” mã số: KC.07/21-30 được Bộ trưởng Bộ KH&CN ký quyết định phê duyệt năm 2022. Riêng Chương trình Giống do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt năm 2020.
Kể từ khi các Chương trình được phê duyệt đến nay, đã nhận được 211 đề xuất từ các tổ chức KH&CN trên cả nước. Đợt tuyển chọn đầu tiên, các Chương trình KX.03/21-30; KC05/21-30 và KC.07/21-30 đã tuyển chọn được 46 hồ sơ. Tuy nhiên, qua 02 đợt đề xuất vừa qua, số lượng đề xuất của khu vực Tây Nguyên còn rất khiêm tốn. Ban tổ chức Hội thảo mong muốn các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học ở khu vực này sẽ tích cực gửi các đề xuất đến các BCN Chương trình và Bộ KH&CN để đảm bảo độ bao phủ ở các vùng miền và các Chương trình KH&CN quốc gia có thể đóng góp tích cực cho phát triển KH&CN và kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên.
Được biết, để tổ chức thực hiện các Chương trình trọng điểm cấp quốc gia có hiệu quả, Bộ KH&CN đã và đang xây dựng, ban hành mới hệ thống các văn bản quản lý trong tất cả các khâu như xác định nhiệm vụ, tuyển chọn đề tài, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu. Cụ thể: Thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN; Thông tư hướng dẫn một số nội dung về xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN. Các nhà khoa học tham dự Hội thảo hy vọng các quy định mới này sẽ tạo ra những bước thay đổi lớn, giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn, đơn giản hơn về thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho các nhà khoa học khi tham gia thực hiện đề tài.
Cùng ngày, các nhà khoa học đã đi sâu thảo luận tại 4 hội thảo chuyên đề để làm sáng tỏ nhiều vấn đề của 4 Chương trình nghiên cứu, gồm:
Hội thảo: “Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ năng lượng phục vụ phát triển bền vững” thuộc Chương trình “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng”, mã số KC.05/21-30.
TS. Hoàng Ngọc Nhân, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC.05/21-30 trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo.
Hội thảo: “Nghiên cứu thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp ứng dụng cho khu vực Tây Nguyên và vùng phụ cận” thuộc Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2021-2030”, mã số KC.07/21-30.
PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chương trình KC.07/21-30 trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo.
Hội thảo: “Hiện trạng và định hướng phát triển công tác nghiên cứu chọn tạo giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030” thuộc Chương trình Giống: “Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.
GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, đại diện Chương trình Giống trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo.
Hội thảo: “Những vấn đề lý luận về giá trị và nguồn lực nhân văn” thuộc Chương trình “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước”, mã số KX.03/21-30.
GS.TS. Võ Khánh Vinh, Chủ nhiệm Chương trình KX.03/21-30 trình bày tham luận tại Hội thảo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.