Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn về AI có trách nhiệm ở Việt Nam” do Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện trên cơ sở sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (Aus4Innovation), ngày 12/12/2024.
Đây là Hội thảo tổng kết dự án “Xây dựng bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn về AI có trách nhiệm ở Việt Nam”. Theo đó, Bộ KH&CN là một trong những đối tác chính, tham gia góp ý và đánh giá các sản phẩm của dự án.
7 nguyên tắc, 5 giá trị cốt lõi về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm
Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày báo cáo tổng quan về sản phẩm của dự án, trong đó đưa ra đề xuất dự thảo Bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn về AI có trách nhiệm ở Việt Nam.
Dự thảo Bộ nguyên tắc và Hướng dẫn được xây dựng thành một bộ quy tắc ứng xử - bộ luật mềm về AI, thường xuyên được cập nhật. Nội dung Bộ nguyên tắc thúc đẩy các trao đổi, thảo luận chính sách chung về AI có trách nhiệm, hướng tới mục tiêu dài hạn và tổng thể là tiếp tục củng cố và phát triển những tiêu chuẩn riêng trong các lĩnh vực.
Nghiên cứu trên cơ sở tiếp cận liên ngành pháp luật, đạo đức và xã hội. Mục tiêu của dự án là xác định các nguyên tắc phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm, phù hợp với bối cảnh Việt Nam; phân tích các thách thức và cơ hội trong việc áp dụng AI có trách nhiệm tại Việt Nam đối với giáo dục, y tế và nông nghiệp; từ đó đề xuất dự thảo Bộ nguyên tắc và Hướng dẫn AI có trách nhiệm tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo đó, 5 giá trị cốt lõi của phát triển AI có trách nhiệm tại Việt Nam là lấy con người làm trung tâm; thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển bao trùm; tôn trọng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, truyền thống của Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trách nhiệm trên cơ sở hài hòa, cân bằng lợi ích và rủi ro của các hệ thống AI.
5 giá trị cốt lõi này sẽ được thẩm thấu vào 7 nguyên tắc, bao gồm: bền vững, an toàn, bảo mật; bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân; minh bạch và giải thích được; công bằng (bình đẳng, bao trùm và không phân biệt đối xử); tôn trọng quyền tự chủ và tự quyết định; trách nhiệm giải trình; cơ chế xử lý phản hồi, khiếu nại và khắc phục thỏa đáng. Mỗi nguyên tắc nhóm nghiên cứu đều đưa ra những yêu cầu cơ bản và hướng dẫn thực hiện.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy bày tỏ niềm tự hào và vui mừng khi ba mục tiêu lớn của dự án đã trở thành hiện thực, dù chỉ một năm trước đây vẫn còn là những ý tưởng mơ hồ. Mục tiêu thứ nhất là xây dựng được bộ nguyên tắc phù hợp với bối cảnh Việt Nam và có thể ứng dụng ngay. Thứ hai, dự án đã thành lập nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam chuyên đánh giá trách nhiệm và tác động của công nghệ mới, mở ra lĩnh vực nghiên cứu liên ngành về quản trị công nghệ. Thứ ba, dự án góp phần hình thành một nhóm chuyên gia người Việt có khả năng tham gia các nhóm nghiên cứu quốc tế về công nghệ mới, qua đó nâng cao năng lực, trình độ, mở rộng hiểu biết và cập nhật các xu hướng công nghệ hiện đại.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng Bộ nguyên tắc về AI có trách nhiệm ở Việt Nam sẽ được hoàn thiện và sớm ban hành, đồng thời mong muốn nhóm nghiên cứu tiếp tục đánh giá thử nghiệm, xây dựng hướng dẫn cách sử dụng và áp dụng bộ nguyên tắc này trong một số lĩnh vực cụ thể.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Trí tuệ nhân tạo vì lợi ích cộng đồng
Trước sự phát triển nhanh chóng và ngày càng có những tác động mạnh mẽ đối với mọi mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, các đại biểu tham dự Hội thảo đồng tình với cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu khi xây dựng Bộ quy tắc như một “bộ luật mềm” về AI, thường xuyên được cập nhật. Dự thảo cũng thể hiện sự bao quát và tầm nhìn khi tiếp cận theo hướng lấy con người làm trung tâm.
Theo, TS. Kim Wimbush, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation cho rằng, Hội thảo không chỉ là sự kiện tổng kết dự án, mà còn là cơ hội để xem xét và thảo luận cả về lý thuyết và thực tế về xây dựng nguyên tắc phát triển AI có trách nhiệm. Ông nhận định “Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển AI, tích hợp AI vào cuộc sống hằng ngày. Trong cuộc cách mạng công nghệ này, khái niệm AI có trách nhiệm đã nổi lên không chỉ là một xu hướng mà còn là một điều cần thiết”.
Australia hiện đóng vai trò tiên phong và tích cực trong phát triển AI có trách nhiệm và thông qua Chương trình Aus4Innovation, Australia đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm thúc đẩy lĩnh vực này. TS. Kim Wimbush nhấn mạnh: “Việt Nam là một quốc gia năng động, nơi có tiềm năng AI rất lớn và giàu cơ hội, do đó xây dựng bộ nguyên tắc phát triển là một khía cạnh quan trọng để hỗ trợ sự phát triển toàn diện và bền vững”.
TS. Kim Wimbush, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation đánh giá cao kết quả của dự án.
Tham dự Hội thảo, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao kết quả nghiên cứu, nhất là việc đưa ra được dự thảo Bộ nguyên tắc, mà nếu làm kỹ, chi tiết từng lĩnh vực, có thể áp dụng vào thực tiễn ngay khi Luật Công nghiệp công nghệ số được ban hành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Tuấn lưu ý, với nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, nhóm nghiên cứu cần rà soát các quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để không bị chồng lấn hay vượt quá.
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ tại Hội thảo.
Mặc dù Bộ nguyên tắc chỉ mang tính khuyến nghị nhưng các đại biểu cũng cho rằng cần có cơ chế thực thi các nguyên tắc này để có thể đánh giá hiệu quả thực chất. Bộ nguyên tắc cần góp phần định hình giá trị đạo đức trong kỷ nguyên AI. Đồng thời, phải có hướng dẫn cụ thể đối với từng nhóm đối tượng, người tiêu dùng và các tổ chức sử dụng AI.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng tăng cường nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để phục vụ phát triển AI tại Việt Nam; chủ động xác định các vấn đề khoa học, thực tiễn liên quan đến AI cần giải quyết và ưu tiên nguồn lực từ các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về AI…