Chương trình IPMC do Văn phòng WIPO Singapore (WSO) và Bộ phận Sở hữu trí tuệ cho Doanh nghiệp của WIPO phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Ban Thư ký ASEAN và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Chương trình gồm 02 phần: Hội thảo đào tạo và Tư vấn chuyên sâu. Tại Hội thảo “Quản trị quyền sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy phát triển kinh doanh và toàn cầu hóa”, các chuyên gia đã chia sẻ những kiến thức hữu ích về cách thức doanh nghiệp có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh, gia tăng nhận diện thương hiệu, thu hút nhà đầu tư và tạo ra nguồn thu mới thông qua việc bảo hộ, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình. Các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một phần của chiến lược kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển và mở rộng của doanh nghiệp, đồng thời là yếu tố then chốt duy trì và phát triển hệ sinh thái sở hữu trí tuệ sáng tạo và toàn diện tại Việt Nam.
Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo.
Đại biểu tham dự Hội thảo.
Nằm trong khuôn khổ Chương trình, 10 doanh nghiệp được lựa chọn đã tham gia các buổi tư vấn 1-1 với các chuyên gia về mô hình kinh doanh hiện tại với những phân tích từ góc độ sở hữu trí tuệ, bao gồm các vấn đề liên quan đến sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu và bí mật kinh doanh.
Theo đó, các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị về cách thức để các doanh nghiệp có thể gia tăng, đa dạng hóa danh mục và nâng cao giá trị của các tài sản trí tuệ. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tham gia tư vấn trực tuyến với chuyên gia trong giải quyết các vấn đề cụ thể hơn và xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ hiệu quả, phù hợp với từng doanh nghiệp.
Hoạt động tư vấn chuyên sâu diễn ra trong khuôn khổ Chương trình.
Chương trình IPMC không chỉ giúp nâng cao nhận thức và kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, mà còn góp phần củng cố nền tảng để các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế thương mại và phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và SMEs trong việc xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ. Đây là bước khởi đầu quan trọng giúp các doanh nghiệp nâng cao giá trị của tài sản trí tuệ và chuẩn bị tốt hơn cho những cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với WIPO và các đối tác trong nước và quốc tế khác trong việc đào tạo, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để phát triển bền vững trong tương lai.