Thứ tư, 04/12/2024 16:19 GMT+7

Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và chỉ tiêu lồng ghép yếu tố sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và biến đổi khí hậu trong quy hoạch sử dụng đất

Ngày 03/12/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia: "Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và chỉ tiêu lồng ghép yếu tố sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và biến đổi khí hậu (BĐKH) trong quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đảm bảo phát triển bền vững ở Việt Nam", mã số ĐTĐLCN-94/21.
Đây là nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được Bộ KH&CN phê duyệt, do PGS.TS. Trần Văn Tuấn làm chủ nhiệm đề tài; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì. Đề tài thực hiện từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2024 với mục tiêu chính là: Xây dựng được cơ sở lý luận về QHSDĐ trên cơ sở sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và BĐKH; Xây dựng được bộ tiêu chí và chỉ tiêu lồng ghép yếu tố sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và BĐKH trong QHSDĐ quốc gia và vùng lãnh thổ; Áp dụng bộ tiêu chí và chỉ tiêu trong nghiên cứu thử nghiệm xây dựng định hướng QHSDĐ đảm bảo phát triển bền vững cho một vùng lãnh thổ; Đề xuất được chính sách về lồng ghép yếu tố sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và BĐKH trong công tác lập QHSDĐ ở Việt Nam.
Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia.
Báo cáo tại Phiên họp, PGS.TS. Trần Văn Tuấn cho biết, QHSDĐ là công cụ hữu hiệu của Nhà nước nhằm tổ chức sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả và bền vững. Tại nhiều quốc gia như Nga, Hà Lan, Đức... đã xây dựng được bộ tiêu chí, chỉ tiêu lồng ghép trong QHSDĐ quốc gia, quy hoạch không gian quốc gia và quy hoạch cấp vùng. Ở Việt Nam, yêu cầu lồng ghép, tích hợp nội dung sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và BĐKH trong QHSDĐ đã được đề cập, nhưng chưa có quy định cụ thể bộ tiêu chí, chỉ tiêu sử dụng đất cần lồng ghép.
Đề tài đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bao gồm: Tổng quan, đánh giá những mặt đạt được, những tồn tại và hạn chế các kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn ở trong và ngoài nước về QHSDĐ trên cơ sở sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và BĐKH; Bộ tiêu chí và chỉ tiêu lồng ghép yếu tố sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và BĐKH trong quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và cấp vùng; Phân tích, đánh giá thực trạng QHSDĐ trong mối liên hệ với yếu tố sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và QHSDĐ tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Mô hình thử nghiệm ứng dụng bộ tiêu chí và chỉ tiêu lồng ghép yếu tố sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và BĐKH trong QHSDĐ tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác QHSDĐ quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở bộ tiêu chí và chỉ tiêu được xây dựng; Đề xuất chính sách về lồng ghép yếu tố sinh thái cảnh quan, liên kết vùng và BĐKH trong công tác lập QHSDĐ ở Việt Nam; Bộ cơ sở dữ liệu dạng số (bao gồm các bản đồ thành phần và tổng hợp ở tỷ lệ 1/250.000) cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ; 01 công bố quốc tế trong hệ thống tạp chí ISI/SCOPUS; 03 công bố trên tạp chí khoa học trong nước;  02 công bố trên hội nghị khoa học trong nước; Đào tạo 01 Thạc sĩ; hỗ trợ đào tạo 01 Tiến sĩ.
PGS.TS. Trần Văn Tuấn thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu và kết quả của nhiệm vụ.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học phục vụ cho công tác lập QHSDĐ cấp quốc gia và định hướng phân bổ nguồn lực đất đai vùng kinh tế - xã hội đảm bảo sử dụng tài nguyên đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, phát huy được lợi thế so sánh của từng vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, còn là những căn cứ để Nhà nước và các địa phương đưa ra những chiến lược, các chính sách và kế hoạch phù hợp cho phát triển trước mắt và lâu dài đối với mục tiêu sử dụng hợp lý và bền vững đất đai.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm và cơ quản chủ trì. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài mức "Đạt". Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung góp ý và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.
 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 1587

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)