Thứ năm, 14/11/2024 16:17 GMT+7

Đổi mới cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là tiêu chí quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng, là yếu tố tạo nên vị thế và tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp, tác động đến uy tín và sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Vì vậy, việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa luôn là ưu tiên hàng đầu được Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, yêu cầu phải đổi mới phương thức quản lý, đảm bảo giá trị sản phẩm, hàng hóa và môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thực sự cấp thiết.
Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật 
Về cơ bản, Nhà nước ta đã xây dựng được một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá năm 1990 (sửa đổi, bổ sung năm 1999) là văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc điều chỉnh vấn đề này. Ngày 29/6/2006, Quốc hội ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và ngày 21/11/2007, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ra đời. Đây được coi là hai Luật gốc, quy định các vấn đề chung, mang tính nguyên tắc về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho mọi ngành, lĩnh vực. Để triển khai Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong hơn 15 năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng các Bộ ngành liên quan đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện. 
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: “Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”. Theo đó, có thể thấy: chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xác định dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Nói cách khác, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là thước đo giá trị, là công cụ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Nhà nước. Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, được công bố dưới dạng văn bản và áp dụng tự nguyện. Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật, yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải tuân thủ, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và bắt buộc áp dụng. 
Nhà nước ta quản lý chất lượng theo nhóm sản phẩm, hàng hóa, phân loại trên cơ sở khả năng gây mất an toàn của từng đối tượng. Theo đó, sản phẩm, hàng hóa được phân chia làm 2 nhóm. Sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 (không có khả năng gây mất an toàn, trong điều kiện lưu giữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích sẽ không gây hại cho người, động vật, thực vật và môi trường). Nhóm này được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn do người sản xuất công bố. Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (có khả năng gây mất an toàn, trong điều kiện lưu giữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, môi trường). Nhóm này được quản lý chất lượng theo cả tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Về quy trình quản lý, hiện nay, các quy định ban hành đảm bảo kiểm soát chất lượng từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Mỗi giai đoạn lại quy định quyền và nghĩa vụ đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các đối tượng tương ứng. Pháp luật cũng ghi nhận các phương thức đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy…), kiểm soát chất lượng bằng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc và cơ chế kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại…
Về thẩm quyền, có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, Bộ KH&CN chịu trách nhiệm trước Chính phủ, giữ vai trò thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các bộ, ngành quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành đã được thể hiện cụ thể tại Chương 6 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Điều 31, Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13, khoản 14 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP). Nhiều bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa như: Bộ Công Thương (Thông tư số 36/2019/TT-BCT), Bộ Thông tin và Truyền thông (Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT)…
Thực trạng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam hiện nay
Theo thống kê tại Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, tính đến tháng 12/2023, đã có hơn 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) được các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành và đăng ký tại Bộ KH&CN, trong đó có gần 300 QCVN cho sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Hệ thống tiêu chuẩn với khoảng 13.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt 62%. Các QCVN, TCVN trên đã góp phần quan trọng trong việc duy trì chuẩn mực kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa; bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Về cơ bản, các bộ, ngành đã chủ động ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 để kiểm soát chặt chẽ nhóm sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Hoạt động đánh giá sự phù hợp được đẩy mạnh với sự tồn tại của 1.075 tổ chức thử nghiệm, 240 tổ chức chứng nhận, 106 tổ chức giám định và 161 tổ chức kiểm định chất lượng . Một số mặt hàng mang mã số mã vạch của Việt Nam (mã quốc gia 893) được lưu thông trên thị trường quốc tế. Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa được triển khai chặt chẽ, bài bản, có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. 
Cần kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường (Ảnh minh họa).
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng dần bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Nhiều QCVN, TCVN nhận được ý kiến trái chiều khi đưa vào áp dụng trên thực tế (ví dụ: QCVN về xăng dầu, TCVN về nước mắm, thép không gỉ…). Xuất hiện tình trạng sản phẩm, hàng hóa nằm trong Danh mục nhóm 2, nhưng lại không có QCVN tương ứng để quản lý. Ngoài ra, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ mới cho phép tạo ra các lĩnh vực và sản phẩm, hàng hóa mới. Những đối tượng này cũng phải được kiểm soát chất lượng, đánh giá tính an toàn và đặt ra khả năng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Hơn nữa, chuyển đổi số với sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị công nghệ thông minh, sự phổ biến của Internet đã thay đổi thói quen tiêu dùng online. Việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được trao đổi, mua bán trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng mua sắm trực tuyến còn nhiều khó khăn... 
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Nguyên tắc chung trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là bảo đảm tính khách quan, minh bạch; không phân biệt đối xử giữa các tổ chức sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền, lợi của người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Sự phát triển nền kinh tế quốc gia phụ thuộc nhiều vào mức độ nhạy bén của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước. Chính sách pháp luật tốt sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Ngược lại, chính sách pháp luật không phù hợp sẽ kìm hãm doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh và động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo của các chủ thể.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, đổi mới chính sách, cơ chế quản lý là xu hướng tất yếu. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. 
Thứ nhất, cần quy định rõ cơ sở khoa học và tiêu chí đánh giá khả năng gây mất an toàn, tạo thuận tiện cho việc phân loại sản phẩm, hàng hóa nhóm 1, 2; kịp thời cập nhật, xem xét các sản phẩm, hàng hóa mới để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục khi cần thiết. Thay vì để các bộ, ngành tự ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 như hiện nay, cần có một đơn vị đầu mối tổng hợp đề xuất từ các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo trong quản lý.
Thứ hai, cần có các chính sách đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả, sử dụng mã số mã vạch từ năm 1974. Việc ứng dụng mã số mã vạch trên nền tảng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (Al), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), internet vạn vật (IoT)… sẽ tạo ra hệ sinh thái số, dữ liệu lớn (Big data) phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh việc định danh, mã hóa, thu thập thông tin dạng máy đọc… đưa mã số, mã vạch trở thành công nghệ được sử dụng phổ biến có giá trị tra cứu trong nước và quốc tế.
Thứ ba, cần có các chính sách tập trung nâng cao nhận thức, năng lực quản lý của doanh nghiệp. Đồng thời, có các chính sách khuyến khích, tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, đào tạo về chuyển đổi số, hỗ trợ kinh phí thực hiện… cho chủ thể này.
Thứ tư, cần có các chính sách tăng cường sức mạnh của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Để các cơ quan quản lý hoạt động hiệu quả, về cơ bản cần chú trọng đến hai yếu tố: năng lực cán bộ và cơ sở vật chất. Việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về pháp luật, kiến thức chuyên môn, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đầu tư máy móc, phần mềm quản lý và chú trọng đảm bảo kinh phí cho việc nghiên cứu xây dựng, rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…

Nguồn: Vụ Pháp chế

Lượt xem: 694

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)