Thứ ba, 01/10/2024 15:56 GMT+7

Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành xây dựng

Trong thời gian tới, để ngành xây dựng tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Bộ Xây dựng sẽ nỗ lực thực hiện các mục tiêu: Làm chủ thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp; Ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xây dựng tiên tiến; Nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường...
Ngày 30/9/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn công nghệ ngành xây dựng trong khuôn khổ chương trình Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam năm 2024 (Techconncect and Innovation VietNam 2024). 
Toàn cảnh Diễn đàn.
Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành xây dựng 
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, đây là dịp để Bộ Xây dựng giới thiệu về các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trong một số lĩnh vực quản lý của Bộ như: quy hoạch kiến trúc, hạ tầng đô thị, hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn (TCQC) kỹ thuật của ngành và một số lĩnh vực khác.
Trong thời gian qua, ngành xây dựng đã triển khai nghiên cứu ứng dụng trong một số lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong lĩnh vực quản lý như: nghiên cứu ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, nghiên cứu chế tạo máy in 3D trong chế tạo vật liệu xây dựng tính năng cao, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng nghề trực thuộc Bộ Xây dựng; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế...
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST ngành xây dựng đến năm 2030. Trong thời gian tới, để ngành tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Bộ sẽ nỗ lực thực hiện các mục tiêu: Làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp; Ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xây dựng tiên tiến, bảo đảm tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức phát thải ròng bằng 0 theo lộ trình của Chính phủ; Nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường; Ứng dụng các công nghệ thông minh, tiên tiến hiện đại trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà; Đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KH&CN có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xây dựng...
Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng hướng tới phát triển bền vững
Báo cáo về ĐMST trong hệ thống TCQC lĩnh vực xây dựng, TS. Nguyễn Hồng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về xây dựng có hơn 1600 tiêu chuẩn, Bộ Xây dựng chia làm 11 lĩnh vực đối tượng chính. Theo đó, để ĐMST trong hệ thống TCQC lĩnh vực xây dựng theo hướng phát triển bền vững, cần tiết kiện năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an toàn - năng suất - chất lượng - hiệu quả; thường xuyên đổi mới, cập nhật hệ thống TCQC phù hợp với thực tiễn... 
TS. Vũ Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã trao đổi về ĐMST trong nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất và thử nghiệm vật liệu xây dựng. Trong những năm gần đây, Bộ Xây dựng đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo bê tông; nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện thay thế cốt liệu tự nhiên để chế tạo tấm tường rỗng đúc sẵn theo công nghệ đùn ép; nghiên cứu sử dụng thạch cao phospho để sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng; đồng thời tăng cường thử nghiệm: lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; xác định độ lọt khí của công trình; xác định chỉ số phản xạ năng lượng mặt trời - SRI; xác định hệ số dẫn nhiệt; xác định hiệu suất nhiệt của hệ thống cửa, kính; vật liệu cho công trình xanh; xác định đặc tính âm học công trình... TS. Vũ Văn Dũng khẳng định, phát triển công nghệ và ĐMST trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đang trở thành xu hướng quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, tính bền vững và hiệu quả kinh tế của công trình; sự đổi mới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng không chỉ giúp cải thiện hiệu suất và độ bền của công trình mà còn hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trao đổi về ĐMST thông qua ứng dụng Hệ thông tin địa lý (GIS) trong quy hoạch, TS. Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Hợp tác quốc tế và Đào tạo, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng kiến nghị, Bộ Xây dựng cần luật hóa nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu và công tác ứng dụng GIS trong lập quy hoạch và yêu cầu bắt buộc áp dụng GIS đối với một số loại đồ án quy hoạch đô thị - nông thôn quan trọng; đồng thời, kiến nghị Bộ KH&CN ban hành hướng dẫn về định mức áp dụng GIS trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Các đại biểu báo cáo tại Diễn đàn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về chính sách phát triển công nghệ và ĐMST của ngành; thông tin công nghệ mới ngành xây dựng; hoàn thiện và thực thi hiệu quả các giải pháp nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ĐMST ngành xây dựng.
Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Diễn đàn.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 354

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)