Thứ năm, 27/06/2024 09:13 GMT+7

70% doanh nghiệp sẽ tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo

86% DN nhận định đổi mới sáng tạo là “chìa khoá” quan trọng đối với tăng trưởng trong thời gian tới và 70% DN dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo.
86% doanh nghiệp coi đổi mới sáng tạo là “chìa khoá” tăng trưởng
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Sáng tạo và kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề “Cách tân để phát triển” trong khuôn khổ Lễ công bố Doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024 diễn ra vào chiều 24/6 tại Hà Nội cho thấy, kết quả khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong Top 50 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2024 và Top 10 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2024 trong các ngành kinh tế trọng điểm cho rằng: 86% doanh nghiệp nhận định đổi mới sáng tạo là “chìa khoá” quan trọng đối với tăng trưởng trong thời gian tới, trong đó phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào đổi mới, cải tiến sản phẩm dịch vụ và quy trình. Cùng với đó, hơn 70% doanh nghiệp trong cuộc khảo sát cũng cho biết, dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo ít nhất trong vòng 2 năm tới.
 
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Sáng tạo và kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề “Cách tân để phát triển” được tổ chức vào chiều ngày 24/6.
Theo ông Trương Minh Tiến – Giám đốc Điều hành Viet Research: Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nó không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và tối ưu hóa quy trình kinh doanh, mà còn hỗ trợ thích ứng nhanh chóng với biến động thị trường và nhu cầu khách hàng. Đồng thời, nó còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường vị trí thương hiệu, đảm bảo hiệu quả hoạt động và bền vững trong môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt.
Với ý nghĩa đó, không chỉ trong tương lai, trên thực tế theo ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư, thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển công nghệ, áp dụng số hoá trong cải tiến và ra mắt những sản phẩm mới của cộng đồng doanh nghiệp. Đã có những doanh nghiệp đi vào lĩnh vực rất mới và khó sản xuất như chip, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, sản xuất xe điện…
Chính sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đối với đổi mới sáng tạo đã giúp Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2023 được xếp hạng 46/132 quốc gia và nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2022. Đưa Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
“Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á” – ông Lê Trọng Minh thông tin thêm.
 
Doanh nghiệp được vinh danh tại Lễ công bố Doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024.
Thêm cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam có nhiều chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Điển hình như tại Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nội dung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo. Trong đó nêu rõ, “khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Phát triển các quỹ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ”.
Tại Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt mục tiêu đến năm 2025: “Duy trì xếp hạng về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN”. Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới…
Việt Nam cũng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, với sứ mệnh dẫn dắt và kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc; cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong một môi trường thử nghiệm thể chế thuận lợi để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Chính sách cho phát triển đổi mới sáng tạo thì đã có, tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Hiển, các chính sách trên chưa phát huy được hiệu quả vào thực tiễn. Cụ thể, liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần Nghị quyết 10 và hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hiện nay các chính sách hướng dẫn cũng chưa có. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định liên quan qua khảo sát bước đầu chưa thực sự đi vào cuộc sống. Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước cũng thiếu hành lang, cơ chế pháp lý để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, PGS TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore cho rằng, cần tập trung vào một số vấn đề, trong đó quan trọng nhất là thay đổi nhận thức về đổi mới sáng tạo, có những quỹ hỗ trợ đầu tư cho đổi mới sáng tạo…
 

Nguồn: Báo Công thương

Lượt xem: 3423

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)