Thứ năm, 20/06/2024 16:28 GMT+7

Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè Ôlong tại Lâm Đồng

Mới đây, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội đồng KH&CN cấp Nhà nước đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu Dự án: “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè Ôlong tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.”
Dự án thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”; do Doanh nghiệp tư nhân Phương Nam chủ trì thực hiện; đơn vị hỗ trợ ứng dụng công nghệ là Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, thời gian thực từ tháng 9/2020 - 2/2024. 
PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu.
Dự án hướng tới mục tiêu áp dụng đồng bộ các giải pháp ứng dụng KH&CN và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè theo hướng VietGAP tại vùng chè thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng, nhằm nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm chè có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho vùng chè góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Sau hơn 3 năm triển khai, dự án đã đạt được một số kết quả sau: 
- Xây dựng được mô hình nhân giống chè mới bằng phương pháp giâm cành quy mô 1.000 m2, đã sản xuất được 165.500 bầu chè giống Kim Tuyên, Thúy Ngọc và Tứ Quý. Các cây giống được sử dụng trong mô hình trồng thâm canh, cải tạo.
- Xây dựng được mô hình trồng thâm canh một số giống chè mới (Kim Tuyên, Thúy Ngọc và Tứ Quý) quy mô 20 ha. Nương chè trồng mới bắt đầu cho thu hoạch vào năm thứ 3, năng suất trung bình đạt từ 8,34 -8,72 tấn/ha.
- Xây dựng được mô hình cải tạo nương chè theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 30 ha (trong đó có 15 ha giống Kim Tuyên và 15 ha giống Thúy Ngọc), nương chè sau cải tạo năng suất đạt trung bình từ 18,56 tấn/ha, cao hơn sản xuất đại trà 23,9%, được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
- Xây dựng được mô hình chế biến chè Ôlong theo dây chuyền công nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng cao. Dây chuyền thiết bị hoạt động tốt, tạo ra được sản phẩm 5,35 tấn chè khô thương phẩm. Chất lượng đạt TCVN 12713:2019. Sản phẩm chè của dự án được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc. 
- Xây dựng được bộ đại diện thương hiệu sản phẩm chè Phương Nam (logo, mẫu bao bì, tem nhãn), nhãn hiệu “Trà Phương Nam - Phương Nam Tea” đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN chấp nhận đơn.
- Dự án đã đào tạo được 10 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở, tổ chức tập huấn cho 355 lượt cán bộ và người dân trong địa bàn khu vực triển khai dự án.
Toàn cảnh cuộc họp.
Hội đồng khoa học đã đánh giá cao kết quả đạt được của Dự án (các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu hợp đồng). Dự án đã có tác động trực tiếp đến chuyển đổi cơ cấu giống chè, đa dạng sản phẩm chè, tăng năng suất, giá trị sản phẩm chè phục vụ trong nước và xuất khẩu, mang lại thu nhập tăng thêm cho người trồng chè. Kết quả thực hiện dự án còn có ý nghĩa trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường, khai thác tốt tiềm năng lợi thế để phát triển cây chè và tăng giá trị của chuỗi sản phẩm chè tỉnh Lâm Đồng, cạnh tranh với các sản phẩm chè khác trong và ngoài nước.
Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước đã thống nhất đề nghị Bộ KH&CN nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án với 100% số phiếu tán thành, xếp loại Khá.
 

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 644

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)