Thứ hai, 27/05/2024 21:41 GMT+7

Trao đổi về hướng nghiên cứu liên quan đến các phản ứng hạt nhân

Đoàn Thanh niên Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu các phản ứng hạt nhân gây bởi chùm p và α trên các bia nhẹ trong vùng năng lượng thấp và trung bình".

Đây là hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam 18/5 và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ KH&CN, là dịp để các cán bộ Trung tâm Vật lý hạt nhân báo cáo, trao đổi về các hướng nghiên cứu liên quan đến nghiên cứu các phản ứng hạt nhân, một trong những lĩnh vực quan trọng mà hiện nay Viện KH&KTHN đang phụ trách.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Đức Khuê - Viện trưởng Viện KH&KTHN nhấn mạnh, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 là sự kiện ý nghĩa với ngành KH&CN, là cơ hội để các nhà khoa học cùng chia sẻ và thảo luận các vấn đề còn tồn tại để tìm giải pháp khắc phục, hướng tới sự phát triển của ngành KH&CN  nói chung cũng như của đơn vị nói riêng. Đặc biệt là hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Viện KH&KTHN ngày càng phát triển, kết quả nghiên cứu đạt chất lượng tốt, thiết thực, hiệu quả, gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn phục vụ hoạt động của ngành.

Hội thảo có 04 báo cáo do các nghiên cứu viên đến từ Trung tâm Vật lý hạt nhân (TTVLHN), Viện KH&KTHN trình bày gồm: “Nghiên cứu phản ứng hạt nhân với chùm proton và alpha phát ra từ máy gia tốc Pelletron 5SDH-2 tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội”; “Nghiên cứu quá trình chuyển 8Be trong tán xạ α+ 12C đàn hồi”; “Phát triển các ứng dụng dựa trên Geant4/Geant4-DNA để nghiên cứu sinh học phóng xạ và phản ứng quang hạt nhân”; “Nghiên cứu thực nghiệm tiết diện vi phân theo góc của phản ứng 11 B(p, α 0 ) 8 Be với chùm proton năng lượng 2.5 MeV”.

Dưới đây là một số hình ảnh:

TS. Lê Xuân Chung trình bày báo cáo “Nghiên cứu phản ứng hạt nhân với chùm proton và alpha phát ra từ máy gia tốc Pelletron 5SDH-2 tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội”.

TS. Đỗ Công Cương trình bày báo cáo “Nghiên cứu quá trình chuyển 8Be trong tán xạ α+ 12C đàn hồi”.

TS. Lê Tuấn Anh trình bày báo cáo “Phát triển các ứng dụng dựa trên Geant4/Geant4-DNA để nghiên cứu sinh học phóng xạ và phản ứng quang hạt nhân”.

ThS. Đỗ Thị Khánh Linh trình bày báo cáo “Nghiên cứu thực nghiệm tiết diện vi phân theo góc của phản ứng 11 B(p, α 0 ) 8 Be với chùm proton năng lượng 2.5 MeV”.

Nghiên cứu về các phản ứng hạt nhân cả lý thuyết và thực nghiệm luôn là đề tài hấp dẫn và rất khó trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý hạt nhân. Thông qua Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã có dịp tham gia thảo luận, trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu các phản ứng hạt nhân. Hội thảo diễn ra trong bầu không khí sôi nổi và cởi mở của tất cả các đại biểu tham dự.
 

Nguồn: Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 667

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)