Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao Chỉ số PII tại TP. Hải Phòng” vào chiều ngày 09/5/2024.
Chỉ số PII - xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu của địa phương
Bộ Chỉ số PII được Bộ KH&CN xây dựng bám sát cấu trúc của Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hàng năm. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, từ năm 2021, Bộ KH&CN phối hợp với Tổ chức WIPO xây dựng Bộ Chỉ số PII và thử nghiệm trên 20 tỉnh/thành phố trong cả nước, trong đó có TP. Hải Phòng. Tháng 3/2024, Bộ KH&CN đã công bố kết quả triển khai Bộ Chỉ số PII năm 2023, trong đó Hải Phòng xếp thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xếp thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh, kết quả triển khai Bộ Chỉ số PII cho thấy nỗ lực không ngừng của Hải Phòng trong tạo môi trường thông thoáng thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển bền vững, tạo cơ hội để thành phố tiếp tục đổi mới và phát triển trong tương lai. Thành phố rất chú trọng tới yếu tố thể chế, nổi bật là chính sách thúc đẩy KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, vốn lao động, phát triển giáo dục và KH&CN. Đồng thời tập trung đẩy mạnh chính sách về sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gắn kết với doanh nghiệp; mở rộng danh mục đào tạo các ngành trọng điểm như điện - điện tử, cơ khí, đóng tàu, hàng hải, logistics…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường phát biểu tại Hội thảo.
“Bên cạnh điểm mạnh về các yếu tố như thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu, trình độ phát triển của thị trường, kết quả công bố Bộ Chỉ số PII cũng cho thấy điểm yếu của Hải Phòng là số bằng sáng chế ít, trích dẫn quốc tế thấp; Thành phố chưa có cụm công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp xứng tầm; chi cho KH&CN còn thấp... Do đó, chiến lược của Thành phố là nâng cao chất lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển; xây dựng thương hiệu, cụm công nghiệp công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp”, ông Hoàng Minh Cường cho biết.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh vai trò của KH,CN&ĐMST với phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc cần thiết phải có một công cụ để mô tả mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp. Thứ trưởng cho biết, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai và công bố Chỉ số PII hàng năm. Đồng thời giao UBND các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực, tích cực, chủ động phối hợp với Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan thu thập, cung cấp các dữ liệu tại địa phương và đặt mục tiêu cải thiện Chỉ số PII hằng năm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo.
Về kết quả triển khai Bộ Chỉ số PII, Thứ trưởng Hoàng Minh cho rằng, Hải Phòng đã rất nỗ lực và có nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên việc duy trì vị trí như hiện tại cũng còn nhiều thách thức. Thứ trưởng mong UBND Thành phố, các sở, ban, ngành tiếp tục phối hợp tổ chức triển khai Bộ Chỉ số PII hàng năm, coi đây là công cụ hữu hiệu để có những chính sách cải thiện, chỉ đạo điều hành kịp thời. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đây cũng là định hướng, thông tin, minh chứng để qua đó thấy được các định hướng, giải pháp thực hiện. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế và chỉ đạo các đơn vị liên quan điều chỉnh, kiện toàn Bộ Chỉ số PII theo thông lệ quốc tế.
Tập trung cải thiện các điểm yếu
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia liên quan đến các vấn đề: Khung Chỉ số PII, nguồn dữ liệu, quy trình xử lý và phương pháp tính toán; đánh giá thực trạng Chỉ số PII tại Hải Phòng và dự thảo Kế hoạch nâng cao Chỉ số PII năm 2024-2025; kinh nghiệm nâng cao chỉ số ĐMST và bài học cho Hải Phòng; giải pháp tài chính cho phát triển KH&CN đảm bảo đạt 2% trong tổng chi ngân sách; giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp tại Hải Phòng…
Ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. Hải Phòng cho biết, trong 52 chỉ số thành phần, Thành phố có 5 chỉ số được đánh giá cao và là điểm mạnh gồm: Tỉ lệ học sinh trung học tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; chính sách thúc đẩy KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; cải cách hành chính; tài chính vi mô/GRDP; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo.
Trong thời gian tới, để cải thiện các điểm yếu, Hải Phòng tập trung thực hiện các giải pháp như phấn đấu tăng điểm số PII, giữ vững vị trí top dẫn đầu của cả nước; phấn đấu cải thiện mạnh 2 trụ cột trong tổng số 7 trụ cột của PII; tập trung cải thiện các điểm số là điểm yếu của Thành phố; giữ vững và gia tăng điểm số và mức xếp hạng của 47 chỉ số thành phần còn lại của PII.
Ông Vũ Văn Tích - Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST cho rằng, kết quả thực hiện Bộ Chỉ số PII đã tạo đà cho Thành phố phát triển. Tuy nhiên, thời gian tới, Hải Phòng nên nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm phát triển của một số thành phố trong Khu vực ASEAN có cùng đặc điểm, bối cảnh như Busan (Hàn Quốc), Hạ Môn (Trung Quốc). Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy các thế mạnh về tiềm lực nghiên cứu và phát triển, nhân lực nghiên cứu và phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động KH,CN&ĐMST; tăng cường thực hiện các giải pháp để nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp có các chứng chỉ ISO; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp KH&CN và tương đương; tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; đặc biệt, cần tăng cường đầu tư, chi cho KH&CN từ ngân sách địa phương nhằm góp phần cải thiện nhiều chỉ số thành phần cũng như duy trì và tiếp tục nâng cao Chỉ số PII trong những năm tiếp theo một cách bền vững.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã trao đổi, gợi mở các giải pháp nâng cao Chỉ số PII của Hải Phòng liên quan đến các chỉ tiêu cụ thể của PII; đánh giá nguồn dữ liệu đầu vào; cách tiếp cận các chỉ số; các chính sách khuyến khích của Thành phố trong việc đẩy mạnh phát triển hoạt động KH,CN&ĐMST…
Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng cho biết, Sở KH&CN sẽ tiếp thu toàn bộ các tham luận, trao đổi của các đại biểu và khẳng định các ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ giúp Thành phố có định hướng phát triển, xây dựng chính sách về KH,CN&ĐMST phù hợp để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng trong thời gian tới.