Tham dự sự kiện có GS.TS. Trần Hồng Thái - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Tiểu ban Khoa học tự nhiên UNESCO; GS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; bà Lê Thị Hồng Vân - Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Sự kiện còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các nhà khoa học của Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái trao đổi với Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Chu Hoàng Hà và lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Phát biểu chào mừng sự kiện, GS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, năm 2015, tại Phiên họp lần thứ 38 của Đại hội đồng UNESCO, 195 quốc gia thành viên đã thông qua việc thành lập tại Việt Nam hai Trung tâm khoa học dạng II dưới sự bảo trợ của UNESCO là Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Toán học Quốc tế (ICRTM) và Trung tâm Vật lý Quốc tế (ICP). Chính phủ Việt Nam và UNESCO đã ký Hiệp định về phát triển hai Trung tâm vào năm 2017 và năm 2020; trong đó hai Trung tâm được đặt và trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Kể từ đó đến nay, ICRTM và ICP đã tiến hành các hoạt động đào tạo và nghiên cứu vật lý và toán học trình độ quốc tế thông qua các lớp học, hội nghị, hội thảo; tài trợ tài năng trẻ của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, hướng tới một số nước trong khu vực châu Phi - nơi vật lý và toán học còn đang phát triển. Đồng thời bước đầu tổ chức các nhóm và thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế, trong đó chú trọng sự tham gia của các nhà vật lý và toán học nước ngoài. Hai Trung tâm đã tổ chức thành công hàng chục sự kiện khoa học lớn, thu hút hàng nghìn người tham dự trực tiếp, hàng trăm nghìn lượt xem trực tuyến. Bên cạnh các sự kiện chuyên sâu về KH&CN, các hoạt động như Ngày hội Toán học, Ngày hội đọc sách, Tọa đàm Khoa học mở, Tọa đàm các chủ đề liên quan đến 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc như: Giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, thích ứng với biển đổi khí hậu, phổ biến kiến thức và tiếp cận năng lượng sạch... đã góp phần quảng bá tri thức khoa học, đa dạng hóa hoạt động của hai Trung tâm, cũng như thực hiện mục tiêu của UNESCO.
GS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Những kết quả hoạt động của hai Trung tâm đã được Ban Điều hành quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, kiến nghị tiếp tục thúc đẩy phát triển hai Trung tâm trong giai đoạn tới, sau khi Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO kết thúc vào năm 2026.
Là cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam, phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản đạt trình độ khu vực và quốc tế là một trong những nhiệm vụ trọng yếu được Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm. Trong gần 50 năm xây dựng và phát triển của Viện, toán học và vật lý là hai lĩnh vực nghiên cứu đã đạt nhiều thành tựu nổi bật được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận và vinh danh. Nghiên cứu cơ bản được đánh giá là tiền đề, cơ sở để phát triển nghiên cứu KH&CN; và đã được Liên hợp quốc khuyến nghị trong Nghị quyết lựa chọn năm 2022 là “Năm quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”, trong đó tập trung vào các liên kết giữa các ngành khoa học cơ bản và các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này cũng gắn kết với mục tiêu chủ đề Ngày KH&CN 18/5 năm 2024 “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia”.
Tại sự kiện, PGS.TS. Đinh Văn Trung - Viện trưởng Viện Vật lý, Giám đốc ICP đã báo cáo hoạt động của ICP, nhấn mạnh sự phối hợp giữa ICP, Viện Vật lý và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước trong tổ chức các hoạt động đào tạo thông qua lớp học quốc tế, hội thảo, hội nghị… Giai đoạn 2018-2023, Trung tâm đã thực hiện 74 nhiệm vụ. Tính đến nay, đã có 56 bài báo thuộc cơ sở dữ liệu Web of Science, 01 chương sách quốc tế và 14 bài báo trên tạp chí quốc gia. Đặc biệt, Trung tâm đã có những công bố trên tạp chí có uy tín như Nature, Physical Review Letters.
Mỗi năm, Trung tâm tổ chức khoảng 20 hội nghị, hội thảo trao đổi khoa học trong nước, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trao đổi và kết nối đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các nhóm nghiên cứu mạnh với các nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu khác. Trung tâm đã mời các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực Vật lý tới làm việc ngắn hạn tại Trung tâm, tạo điều kiện để các nhóm nghiên cứu của Viện Vật lý trao đổi khoa học với các chuyên gia và từ đó có thể xây dựng hợp tác lâu dài.
PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương - Giám đốc ICRTM cho biết, từ năm 2020 đến nay, ICRTM đã hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra: kiện toàn bộ máy, trang bị cơ sở vật chất, xây dựng các bộ quy chế và quy định đảm bảo cho việc triển khai các hoạt động; xây dựng 12 đề tài xuất sắc và 40 đề tài đào tạo (postdoc, tiến sỹ, thạc sỹ); 82 công bố trên các tạp chí Web of Science; tổ chức 7 hội thảo quốc tế với hơn 240 nhà khoa học tham dự; đào tạo cho 10 trường quốc tế với 300 học viên; tổ chức 20 sự kiện quảng bá toán học và lan tỏa tinh thần của UNESCO với hơn 2.000 người tham dự, 300.000 lượt theo dõi trực tuyến và 200 báo đài đưa tin…
Đánh giá cao báo cáo của hai Trung tâm, bà Lê Thị Hồng Vân - Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng ICRTM và ICP đã có những hoạt động rất tích cực và ý nghĩa, góp phần khẳng định Việt Nam là một trong các nước đi đầu trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học cơ bản gắn với các mục tiêu của UNESCO.
Bà Trần Lan Hương - Đại diện cho Văn phòng UNESCO Việt Nam đánh giá, ngày nay nhu cầu phát triển bền vững dựa trên khoa học cơ bản là rất lớn. Việt Nam đã có nhiều chiến lược quốc gia thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), trong đó có toán học và vật lý là nền tảng cơ bản. UNESCO kỳ vọng ICRTM và ICP sẽ tăng cường phát triển hơn nữa các ngành khoa học cơ bản gắn với các mục tiêu của UNESCO đặt ra.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá cao những hoạt động của hai Trung tâm trong thời gian qua, đã kế thừa được tiềm lực nghiên cứu khoa học cơ bản của Viện Toán học và Viện Vật lý. ICRTM và ICP đã từng bước khẳng định sự hội nhập quốc tế của ngành khoa học Việt Nam, góp phần vào thành tựu KH&CN của đất nước trong 65 năm qua. Bộ KH&CN tin tưởng hai Trung tâm sẽ tiếp tục phát triển, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Tiểu ban của UNESCO.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại sự kiện.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái mong muốn, bên cạnh phát triển công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cần tập trung phát triển các lĩnh vực vật lý, toán học quốc gia, đặc biệt ưu tiên các hoạt động của UNESCO. Ngoài ra, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cần quan tâm định hướng ứng dụng nghiên cứu cơ bản, đào tạo các nhóm nghiên cứu trẻ, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh. Thông qua Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) hỗ trợ hình thành các nhóm nghiên cứu trẻ. Đồng thời, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mời các chuyên gia quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các hoạt động cũng như kinh nghiệm của UNESCO vào nghiên cứu KH&CN, tổ chức thêm các hoạt động hỗ trợ giao lưu giữa các tiểu ban, cần tập trung gia hạn 2 Trung tâm và mở rộng các Trung tâm dạng II, nâng tầm vị thế Việt Nam phát triển bằng KH,CN&ĐMST…
Trong khuôn khổ sự kiện, hai Trung tâm đã tổ chức Tọa đàm với nội dung tập trung vào việc kết nối và chia sẻ thông tin về nghiên cứu liên ngành giữa các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. ICP và ICRTM là hai Trung tâm đã tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành cho khu vực và quốc tế, phù hợp với các chính sách và chiến lược của UNESCO, góp phần thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển của UNESCO, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn giữa các nước thành viên. Trên cơ sở đó, UNESCO đánh giá cao các Trung tâm dạng II góp phần thực hiện chương trình đào tạo khoa học cơ bản, hỗ trợ cho các quốc gia ở châu Á, châu Phi, gắn với chiến lược phát triển KH&CN của các nước đang phát triển, trong đó có phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học.
Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ sự kiện.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.