Tại Họp báo, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN Đỗ Thành Long đã thông tin các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ sẽ triển khai thực hiện trong năm 2024, trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2024.
Trong năm 2024, Bộ KH&CN sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Bộ KH&CN tập trung xây dựng luật/lập đề nghị xây dựng 04 Luật sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST gồm: Xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Hoàn thiện lập đề nghị xây dựng 03 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Chánh Văn phòng Bộ KH&CN Đỗ Thành Long thông tin về các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2024 tại Họp báo.
Bộ cũng có kế hoạch xây dựng, trình Chính phủ 05 Nghị định, trong đó có một số Nghị định quan trọng cần được ban hành để tháo gỡ các vướng mắc trong khi chờ Luật KH&CN được sửa đổi, bổ sung như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN; Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, Bộ cũng sẽ tập trung triển khai các Chiến lược đã được ban hành trong lĩnh vực KH&CN, như Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030. Để thực hiện các Chiến lược này, trong 02 năm vừa qua, Bộ đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các chương trình trong giai đoạn mới.
Năm 2024, Bộ KH&CN sẽ tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” nhằm đề xuất phương án triển khai trong giai đoạn tới. Bộ cũng sẽ xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh. Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ĐMST trong doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư.
Về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Bộ sẽ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Về sở hữu trí tuệ, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Bộ cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Toàn cảnh Họp báo.
Về các nhiệm vụ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với vai trò được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số Năng lực Đổi mới sáng tạo (GII) của WIPO, năm 2024, Bộ sẽ tập trung tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời để Việt Nam sẽ tiếp tục đứng trong nhóm 04 quốc gia dẫn đầu của ASEAN về Chỉ số ĐMST quốc gia.
Tại Họp báo, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã đặt câu hỏi về các vấn đề: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, kế hoạch của Bộ KH&CN trong nắm bắt cơ hội và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chính sách pháp luật về KH,CN&ĐMST, điểm mới về Chương trình KH&CN cấp quốc gia, Luật KH&CN sửa đổi... Đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ đã chia sẻ, cung cấp thông tin đến báo chí về những nội dung trên.
Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã cảm ơn sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ Bộ và ngành KH&CN của các cơ quan thông tấn báo chí trong suốt thời gian qua. Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong năm 2023 ngành đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những kết quả bước đầu trong nhiệm kỳ 5 năm, trong đó các hoạt động hướng tới chiều sâu và hiệu quả. Một trong số đó là việc hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN quốc gia, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các chương trình trong giai đoạn mới. Đến nay, về cơ bản Bộ KH&CN đã hoàn thành với 44 Chương trình, KH&CN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030 đã được phê duyệt. Với các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&CN trong năm 2024, Thứ trưởng bày tỏ hi vọng các nhà báo luôn quan tâm, hỗ trợ ngành KH&CN, lan tỏa hơn nữa thông tin trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ có nhiều đổi mới trong hoạt động, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để hoạt động KH&CN đi vào chiều sâu, hiệu quả, đóng góp tốt hơn cho hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống người dân.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Họp báo.
Dưới đây là một số hình ảnh lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ cung cấp thông tin đến báo chí tại buổi Họp báo và các nhà báo đặt câu hỏi tại Họp báo:
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN.
Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.
Ông Bùi Văn Sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Nhà báo Bích Thủy, Báo Đầu tư.
Nhà báo Tạ Lan, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà báo Văn Phong, Báo Quân đội nhân dân.
Nhà báo Quỳnh Nga, Báo Công thương.