Thứ năm, 18/01/2024 16:08 GMT+7

Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác KH&CN

Ngày 18/01/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Quý Kiên đã đồng chủ trì buổi làm việc với các đơn vị liên quan trực thuộc hai Bộ nhằm trao đổi nội dung xây dựng kế hoạch KH&CN và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN&MT trong giai đoạn hiện nay và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, thời gian qua, Bộ TN&MT và Bộ KH&CN đã có sự phối hợp chặt chẽ, khăng khít. Lãnh đạo, cán bộ của các đơn vị trực thuộc hai Bộ luôn có sự phối hợp, hỗ trợ để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, thời gian qua, Bộ TN&MT và Bộ KH&CN luôn có sự phối hợp chặt chẽ.

Đối với công tác KH&CN, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, vai trò của KH&CN ngày càng quan trọng nhất là trong quá trình phát triển đất nước hiện nay. Với xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc ứng dụng các công nghệ mới vào quản lý điều hành trong ngành TN&MT ngày càng phải thay đổi theo kịp với thời đại mới. Vì vậy, Bộ TN&MT luôn mong muốn có sự đồng hành của Bộ KH&CN trong việc áp dụng những thành tựu KH&CN hiện đại nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT tới công tác nghiên cứu KH&CN trong các lĩnh vực của ngành TN&MT đạt nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, đo đạc và bản đồ, viễn thám...

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho rằng: công tác nghiên cứu KH&CN trong các lĩnh vực của ngành TN&MT đạt nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhấn mạnh, hai Bộ đều có những lĩnh vực chung và có nhiều dư địa để khai thác như các chương trình về an ninh nguồn nước, mạng lưới quan sát phóng xạ, an toàn năng lượng bức xạ và hạt nhân, KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2030… Theo đó, hai Bộ cần có sự phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu khoa học về các chương trình liên quan để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về các hoạt động của hai Bộ đến toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với KH&CN và TN&MT.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cũng đề nghị trong thời gian tới, hai bên cần nêu lên những vấn đề đang vướng mắc, những nhu cầu cấp thiết hiện nay để Lãnh đạo hai Bộ có thể chỉ đạo và định hướng cho các đơn vị hai bên cùng nhau phối hợp, áp dụng KH&CN tới các lĩnh vực quản lý của ngành TN&MT đạt được kết quả tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Đặc biệt là ứng dụng hiệu quả KH&CN tới 9 lĩnh vực quản lý của ngành TN&MT góp phần phát triển bền vững đất nước.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo hai Bộ, công tác nghiên cứu phát triển KH&CN ngành TN&MT được tổ chức triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tiêu biểu là các kết quả hoạt động KH&CN trong các lĩnh vực quản lý của Bộ đã hình thành hệ thống cơ sở lý luận khoa học phục vụ cho xây dựng và ban hành các dự án luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật (Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Khí tượng thủy văn; Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Luật Đo đạc và Bản đồ… góp phần hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TN&MT.

Cùng với đó, công tác nghiên cứu KH&CN đã góp phần định hướng cho công tác xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch quốc gia về TN&MT như: Đề xuất giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040; các định hướng chính sách và quy định pháp luật để thành lập và quản lý các khu bảo tồn cộng đồng và tư nhân ở Việt Nam; đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư và kiểm soát, giám sát môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động…

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ KH&CN và Bộ TN&MT.

Mặt khác, ngành TN&MT cũng đã chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như: Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu phục vụ công tác phòng chống thiên tai (xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, trượt lở đất đá, sạt lở bờ sông bờ biển...); an ninh nguồn nước; đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trên đất liền và trên biển; ứng phó sự cố môi trường; đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo; rác thải nhựa; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên hướng tới nền kinh tế tuần hoàn giảm phát thải khí nhà kính...

Ông Nguyễn Xuân Hải cũng cho biết, trong giai đoạn tới, với mục tiêu phát triển KH&CN hiện đại, góp phần nâng cao vị thế quản lý nhà nước và điều tra cơ bản TN&MT thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực; đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước, hoạt động KH&CN của Bộ TN&MT sẽ tập trung nghiên cứu phục vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành TN&MT, các lĩnh vực chuyên ngành về TN&MT; đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng nhằm tiếp thu, nắm bắt, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước và điều tra cơ bản về TN&MT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Bộ TN&MT cũng sẽ tăng cường triển khai chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học phục vụ bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; xử lý ô nhiễm môi trường bằng công nghệ sinh học; phát triển công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, công nghệ tái chế chất thải với tính năng, giá thành phù hợp với điều kiện của Việt Nam; ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại tái chế chất thải, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; tập trung để hình thành nguồn lực cán bộ KH&CN có trình độ và năng lực sáng tạo cao; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN trong nước, khu vực và thế giới…

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc 2 Bộ phát biểu.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị của hai Bộ cũng đóng góp nhiều ý kiến, trao đổi, thảo luận, giải đáp về một số nội dung còn vướng mắc để hướng tới mục tiêu xây dựng công tác KH&CN các lĩnh vực của ngành TN&MT ngày càng hoàn thiện, hiệu quả hơn nữa để phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc 2 Bộ, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị, thời gian tới các đơn vị của 2 Bộ cần rà soát, điều chỉnh nội dung khung các chương trình để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai, phù hợp với năng lực nghiên cứu và tình hình thực tiễn của Bộ TN&MT. Cùng với đó, tăng cường trao đổi thông tin, liên thông các cơ sở dữ liệu KH&CN quốc gia để thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển KH&CN trong ngành TN&MT. Đồng thời, tiếp tục phối hợp về các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước về KH&CN nhằm hỗ trợ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học của các Viện, Trường của Bộ TN&MT tiếp cận, chuyển giao, nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm KH&CN từ nước ngoài.

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 925

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)