Thứ sáu, 12/01/2024 14:06 GMT+7

Thái Nguyên thúc đẩy hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ nước ngoài theo nhu cầu

Mới đây, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan của tỉnh Thái Nguyên về hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giai đoạn 2020-2023, định hướng đến năm 2030 và các hoạt động thúc đẩy chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Thái Nguyên.
Thời gian qua, Thái Nguyên luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao trong GDP và trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng dần qua các năm. Các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn được tỉnh Thái Nguyên thu hút, lựa chọn trong giai đoạn này tập trung vào sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao như: Sản xuất điện thoại thông minh, linh kiện điện thoại (Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên); Sản xuất bản mạch in kết nối mật độ cao HDI (Công ty TNHH Samsung Electro - Mechanics Việt Nam); Sản xuất vật liệu công nghệ cao vonfram (Công ty TNHH Vonfram Masan); Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất khuôn mẫu chính xác, các sản phẩm, linh kiện chính xác và robot ngành công nghiệp điện tử (Công ty TNHH Glonics Việt Nam). Ứng dụng, chuyển giao công nghệ nước ngoài phần lớn là công nghệ mới, công nghệ tiên tiến thuộc các dự án FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thông qua các hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao các chỉ số về công nghệ của tỉnh. Cụ thể, kết quả tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020 đạt 10,27% và trung bình giai đoạn 2018-2022 đạt tiệm cận với tốc độ của cả nước. Điều này cho thấy các hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ của tỉnh Thái Nguyên ngày càng được đẩy mạnh, đúng định hướng nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tại địa phương nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
 
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc.
Nhằm mục đích nắm bắt kịp thời các nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, đơn vị của địa phương, thúc đẩy kết nối, chuyển giao, làm chủ công nghệ nước ngoài, từ đó hướng đến cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và vươn tới thị trường quốc tế, Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ nước ngoài thuộc các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh. Đây cũng là hoạt động thường niên đã được Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên triển khai trong 02 năm vừa qua nhằm xác định nhu cầu tìm kiếm, kết nối, chuyển giao công nghệ nước ngoài thông qua sự hỗ trợ của Bộ phận đại diện KH&CN ở nước ngoài.
Buổi làm việc của Đoàn công tác tại tỉnh Thái Nguyên là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh trao đổi cởi mở, trực tiếp với Đoàn cán bộ đại diện KH&CN ở 21 địa bàn trên thế giới các thông tin về công nghệ, thiết bị, sản phẩm nước ngoài đang được các đơn vị trong nước quan tâm cũng như nhu cầu kết nối, hợp tác đầu tư, tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu hàng hóa…
Tại buổi làm việc, đại diện KH&CN ở nước ngoài đã chia sẻ, giới thiệu  các công nghệ nước ngoài có khả thi triển khai vào Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đồng thời, một số nhu cầu, đề xuất cụ thể đã được doanh nghiệp, đơn vị tại địa phương trao đổi, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ và sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của tỉnh Thái Nguyênnhư: Tìm kiếm chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp, điện tử, dược thực phẩm, nông nghiệp; Kết nối cung - cầu công nghệ trong các ngành lĩnh tự động hoá, công nghệ thông tin có tính khả thi triển khai tại Thái Nguyên; Tìm hiểu, học tập mô hình, kết nối công nghệ, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ nước ngoài phù hợp với điều kiện của địa phương (chế biến, sản xuất chè…); Tăng cường đào tạo chuyên sâu cán bộ quản lý, kỹ thuật cho lĩnh vực công nghệ tự động hoá, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chế tạo robot, máy học và các công nghệ chế biến chuyên sâu…
 
Ông Trần Đông chia sẻ thông tin chuyển giao công nghệ tiên tiến từ một số quốc gia Châu Âu.
Ông Trần Thanh Tùng chia sẻ một số kinh nghiệm tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài từ địa bàn Nhật Bản.
Quang cảnh buổi làm việc.
Sau khi nghe các báo cáo của Sở KH&CN và các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thay mặt Đoàn công tác đánh giá, ghi nhận một số kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua. Đồng thời, khẳng định Thái Nguyên là địa phương còn nhiều dư địa để thúc đẩy các hoạt động kết nối, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài và kết nối đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ góp phần sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh, trở thành địa phương thứ 5 trên cả nước, thứ 2 trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/03/2023). Theo đó, đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.

 

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.

Lượt xem: 1223

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)