Thứ sáu, 15/12/2023 11:23 GMT+7

Chính sách, giải pháp công nghệ phát triển điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ 6 là cơ hội để các bên đánh giá nguyên nhân, hiện trạng và tìm cơ chế chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm phổ biến, thực hiện hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.
Chiều 14/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ 6 năm 2023 với chủ đề “Chính sách, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam”.
 
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam lần thứ 6.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã triển khai nhiều hành động cụ thể, quyết liệt nhằm đạt mục tiêu này.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã công bố những hành động Việt Nam đã và đang triển khai trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Theo đó, Chính phủ đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo...
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng có nội dung xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghiệp năng lượng; khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Nhờ những chính sách và hành động trên, Việt Nam đã trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Trong quy hoạch điện VIII, Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện.
 
Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan phát biểu tại Diễn đàn.
Theo bà Trần Thị Hồng Lan, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) còn thấp. Dữ liệu thống kê, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 90% thiết bị từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Việc chậm nội địa hóa sản xuất thiết bị và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam một phần do còn thiếu năng lực đánh giá, phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém và phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chính sách và cơ chế hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cho điện tái tạo còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao tính lan tỏa, xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển công nghệ năng lượng và đưa lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng thành một trong những lĩnh vực có đóng góp ngày càng hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Diễn đàn thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tăng cường chuyển giao công nghệ có hàm lượng tri thức cao, nguồn vốn từ các đối tác quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần vào mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Simon Kreye, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, vấn đề chuyển dịch năng lượng đang là nội dung được quan tâm. Đức tiếp tục là đối tác của các quốc gia đang phát triển, quốc gia có nền kinh tế mới nổi về hợp tác năng lượng và chuyển dịch năng lượng. Việt Nam và Đức cũng triển khai lĩnh vực hợp tác này trong nhiều năm qua, trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng ưu tiên trong hợp tác giữa Chính phủ hai nước. Chính phủ Đức cũng có những hỗ trợ trong lĩnh vực hydro xanh, điện gió ngoài khơi nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng như trung hòa carbon.
Ông Simon Kreye cũng cho rằng, hàm lượng nội địa hóa đóng vai trò quan trọng để có thể giúp cắt giảm chi phí phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, những nội dung được đề cập tại Diễn đàn rất phù hợp; giúp trao quyền cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm điện gió và diện mặt trời.
 
Ông Simon Kreye, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức.
Diễn đàn gồm hai phiên: Nội địa hóa công nghệ trong phát triển năng lượng tái tạo; thực trạng và giải pháp thúc đẩy nội địa hóa công nghệ trong phát triển năng lượng điện gió, mặt trời. Các diễn giả đến từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đã trình bày những vấn đề về hiện trạng phát triển năng lượng điện gió, mặt trời tại Việt Nam; tiềm năng nội địa hóa trong phát triển ngành năng lượng điện gió và điện mặt trời; chính sách KH&CN cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển công nghệ điện gió, điện mặt trời; chính sách nâng cao năng lực nội địa hóa cho lĩnh vực điện gió, điện mặt trời...
Đánh giá hiện trạng các nguồn năng lượng tái tạo và định hướng phát triển các nguồn năng lượng này trong trung hạn và dài hạn trong quy hoạch điện VIII, các diễn giả cho rằng việc nội địa hóa và tiến tới hình thành hệ sinh thái công nghệ năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo là rất cần thiết. Trọng tâm là tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và các dịch vụ phụ trợ đi kèm trong ngành. Kinh nghiệm thực tiễn về phát triển các dự án điện mặt trời của Indonesia cho thấy bên cạnh những chính sách hỗ trợ cần thiết từ chính phủ thì bản thân ngành điện mặt trời phải xây dựng được một lộ trình phát triển công nghệ đáng tin cậy. Ngành công nghiệp sản xuất tấm pin quang điện phải có sự phối hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp ở hạ nguồn nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô và tăng sức cạnh tranh đối với sản phẩm nhập khẩu.
Theo đánh giá của chuyên gia đến từ tổ chức Hợp tác quốc tế Đức, GIZ. Việt Nam chưa tự chủ được nhiều công nghệ liên quan đến điện gió và điện mặt trời. Để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa những công nghệ này cần đẩy mạnh R&D, chuyển giao công nghệ, các dự án thử nghiệm, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng. Có như vậy mới có thể đáp ứng tiềm năng thị trường điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam trong tương lai.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia hàng đầu, các đơn vị tham gia triển khai Dự án đã phân tích, đánh giá chuỗi về cung ứng trang thiết bị và dịch vụ trong việc triển khai xây dựng và vận hành các dự án điện gió, điện mặt trời. Qua đó giúp nhận dạng được những công nghệ nào Việt Nam có thể tự chủ, cần nghiên cứu hoặc tiếp nhận chuyển giao từ nước ngoài.
Sự chia sẻ của những doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời đã giúp cho đại biểu tham dự Diễn đàn có cái nhìn sâu hơn trong chuỗi giá trị của ngành. Bên cạnh những khó khăn chung về vốn, công nghệ, chính sách hỗ trợ thì các dịch vụ phụ trợ cho ngành như: Quản lý vận hành, bảo trì, tái chế, vấn đề chuyển dịch lao động từ ngành điện truyền thống sang điện tái tạo cũng phải được quan tâm sát sao để có thể nội địa hóa công nghệ theo chuỗi giá trị của ngành.
 
Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn.
Theo các chuyên gia, để phát triển năng lượng tái tạo, bên cạnh những hỗ trợ về mặt chính sách, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tích cực hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp cận được nguồn thông tin, công nghệ và những hỗ trợ cần thiết khác. 
Những kiến nghị tại Diễn đàn sẽ được Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, cùng với các bộ ban ngành nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 2121

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)