Thứ tư, 13/12/2023 14:24 GMT+7

Thúc đẩy chuyển giao tri thức quốc tế trong lĩnh vực năng suất

Với chủ đề “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất”, Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 nhằm thúc đẩy thực hiện kế hoạch cải thiện năng suất quốc gia của Chính phủ, đồng thời các đại biểu có cơ hội thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao năng suất phù hợp bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Phiên toàn thể Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 diễn ra ngày 12/12/2023 tại Hà Nội. Diễn đàn là cơ hội để trao đổi, thảo luận về những giải pháp, chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác và thúc đẩy chuyển giao tri thức quốc tế trong lĩnh vực năng suất vào Việt Nam.
 
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Diễn đàn là cơ hội kết nối, tìm kiếm hợp tác và thúc đẩy chuyển giao tri thức quốc tế trong lĩnh vực năng suất vào Việt Nam.
Diễn đàn gồm 4 hội thảo chuyên đề: Nâng cao chất lượng quy định, chính sách để thúc đẩy năng suất; Giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) thúc đẩy năng suất; Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất; Thúc đẩy năng suất chất lượng tại các tỉnh, thành phố và 1 phiên toàn thể. Các nội dung quan trọng được thảo luận gồm đề xuất chính sách phù hợp đồng thời kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác và thúc đẩy chuyển giao tri thức quốc tế trong lĩnh vực năng suất vào Việt Nam.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam xác định quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng KH,CN&ĐMST”. Đây chính là những định hướng quan trọng nhưng cũng đặt ra thách thức với một nước đang phát triển như Việt Nam.
Tại Phiên toàn thể, Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO) TS. Indra Pradana Singawinata cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách phù hợp để  thúc đẩy năng suất, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, tạo môi trường thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà còn cả các doanh nghiệp ngoài nước; tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D)...
 
Tổng Thư ký APO TS. Indra Pradana Singawinata phát biểu tại Phiên toàn thể.
Tại Phiên toàn thể, các chuyên gia đã có các bài tham luận với chủ đề: Thúc đẩy năng suất và đổi mới sáng tạo để tăng trưởng kinh tế lâu dài và bền vững - Kinh nghiệm từ Singapore; Tăng trưởng năng suất - nền tảng cho Việt Nam thu nhập cao vào năm 2045; Sự cần thiết của các động lực mới cho tăng trưởng năng suất ở Việt Nam…
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia APO, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong thúc đẩy tăng năng suất lao động, tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất hiện còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Nếu không tăng tốc đáng kể về tăng trưởng năng suất, Việt Nam sẽ khó đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
PGS.TS Vũ Minh Khương đưa ra 5 khuyến nghị chính sách cho Việt Nam đó là: Thúc đẩy tư duy năng suất; Phát triển một chiến lược năng suất quốc gia mạnh mẽ thông qua các tiếp cận toàn diện, toàn quốc; Thành lập các tổ chức chuyên trách chịu trách nhiệm xây dựng, điều phối, khuyến khích và giám sát các sáng kiến trên toàn quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất ở mọi cấp độ; Khởi động nỗ lực nâng cao năng suất quốc gia để thu hút và huy động các nỗ lực trên toàn quốc nhằm tăng năng suất ở tất cả các cấp; Tạo động lực và khuyến khích những bước đi mang tính chiến lược, đột phá để tăng năng suất.
 
Phiên toàn thể thu hút đông đảo các đại biểu tham dự.
Bế mạc Phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định ghi nhận và đánh giá cao các nội dung cũng như các tham luận trong khuôn khổ Diễn đàn, đồng thời cho biết, phát triển, ứng dụng KH,CN&ĐMST là động lực chính để nâng cao năng suất. Đột phá về năng suất cần dựa trên tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hoàn thiện hạ tầng chất lượng quốc gia, đồng bộ hóa các chính sách KH,CN&ĐMST với các chính sách nâng cao năng suất, cùng với sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng.
 
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại Phiên toàn thể.
Thông qua các hội thảo chuyên đề và Phiên toàn thể, các sự kiện bên lề, Diễn đàn đã công bố thông điệp về định hướng với một số nội dung:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng các chính sách là một yếu tố rất quan trọng để giúp Chính phủ thúc đẩy năng suất của từng ngành kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Thứ hai, thúc đẩy nâng cao năng suất dựa trên các giải pháp KH,CN&ĐMST là bước tiếp theo, sau các giai đoạn nâng cao năng suất dựa trên các hệ thống quản lý, quản lý tri thức và chuyển đổi số. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng công nghệ mới, thực hành tốt các công cụ năng suất. Tiếp cận năng suất với xu thế quốc tế về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh,  phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. 
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào nâng cao năng lực của các chuyên gia năng suất theo chuẩn mực quốc tế nhằm triển khai có hiệu quả các sáng kiến nâng cao năng suất tại các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Bên cạnh đó nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy năng suất, chuẩn bị kiến thức về năng suất cho sinh viên, học sinh như một chiến lược dài hạn thúc đẩy năng suất. 
Thứ tư, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động quốc gia cần sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng. Các ngành, địa phương và doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch năng suất phù hợp định hướng thúc đẩy nâng cao năng suất của quốc gia.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 948

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)