Ngày 12/12/2023, trong khuôn khổ Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì phối hợp các bộ, ngành trung ương, các địa phương tổ chức đã diễn ra các Hội thảo chuyên đề.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Hà Minh Hiệp cho biết, Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 được tổ chức nhằm thúc đẩy thực hiện kế hoạch cải thiện năng suất quốc gia của Chính phủ và thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao năng suất phù hợp bối cảnh trong nước và quốc tế.
Nhấn mạnh vai trò của cơ chế, chính sách cho năng suất, TS. Hà Minh Hiệp cho rằng, nếu chính sách không phù hợp, không cởi trói cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp không thể phát triển, nâng cao năng suất. Để giải quyết vấn đề này, Tổ chức Năng suất châu Á (APO) có công cụ GRP (Thực hành quy định tốt) giúp đánh giá, nhìn nhận lại các quy định, chính sách ban hành đã phù hợp với doanh nghiệp hay chưa, phản hồi của doanh nghiệp; từ đó, tìm ra hạn chế cần thay đổi. Theo đó, cần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính để giúp cho doanh nghiệp có môi trường thuận lợi phát triển, nâng cao năng suất.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề 1.
Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Giải pháp KH,CN&ĐMST thúc đẩy năng suất”, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia cũng như địa phương, năng suất luôn là một yếu tố nền tảng để đạt được các mục tiêu căn bản trong tăng trưởng; cũng có thể thấy KH,CN&ĐMST đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị.
Nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nâng cao năng suất đã được triển khai ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp như: Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Nguyễn Đức Hoàng phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề 2.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong nâng cao năng suất, song mức tăng năng suất lao động vẫn còn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, ông Nguyễn Đức Hoàng cho rằng, yếu tố tiên quyết phải là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên KH,CN&ĐMST, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.
Tại Hội thảo chuyên đề 1, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về Xu hướng mới nhất nhằm đạt được các mục tiêu về chính sách và quy định; Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua nâng cao chất lượng chính sách, quy định; Các yếu tố cản trở tăng trưởng năng suất và phát triển doanh nghiệp.
Tiếp đó, trong khuôn khổ Hội thảo chuyên đề 2, các đại biểu đã trao đổi và chia sẻ về Thúc đẩy áp dụng công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ - Kinh nghiệm và bài học thành công; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất và phát triển bền vững; Giảm phát thải khí nhà kính đối với doanh nghiệp; Chiến lược nâng cao năng suất, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với chiến lược phát triển và tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo.
Diễn đàn Năng suất quốc gia năm 2023 có 4 hội thảo chuyên đề, gồm: Nâng cao chất lượng quy định, chính sách để thúc đẩy năng suất; Giải pháp KH,CN&ĐMST thúc đẩy năng suất; Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất; Thúc đẩy năng suất chất lượng tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; và Phiên toàn thể “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất”. |