Thứ hai, 04/12/2023 08:50 GMT+7

Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành

Nhằm kịp thời phổ biến những quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các quy định liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật, ngày 1/12/2023 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành”.
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp…
 
Toàn cảnh Hội thảo “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành”.
Luật sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung 88 điều hiện hành, bổ sung 14 điều mới) và bãi bỏ 02 điều. Luật sửa đổi bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể; bảo đảm cân bằng giữa lợi ích quốc gia và sự tương thích với các điều ước quốc tế. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi còn bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ, tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; khuyến khích tổ chức cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo hiến pháp và pháp luật.

Tại Hội thảo, các diễn giả của Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu tổng quan về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 3, các vấn đề chung về sở hữu công nghiệp và tập trung phân tích những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến từng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đến thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Báo cáo viên trình bày tại Hội thảo.
Một trong số những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung đó là tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Những quy định sửa đổi, bổ sung mới, đặc biệt là các quy định liên quan đến các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp cụ thể như sáng chế (quy định về đánh giá tính mới, kiểm soát an ninh sáng chế, sáng chế liên quan đến nguồn gen), kiểu dáng công nghiệp (về bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, cách xác định phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp), nhãn hiệu (về thời điểm xem xét tình trạng pháp lý của nhãn hiệu đối chứng, nhãn hiệu nổi tiếng), chỉ dẫn địa lý (về chỉ dẫn địa lý đồng âm); các quy định liên quan đến thủ tục xử lý đơn (phản đối đơn, tạm dừng thẩm định)... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận và làm rõ các quy định liên quan đến chính sách mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thủ tục sửa đổi, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ khi được cấp văn bằng ở dạng điện tử, hình thức cấp văn bằng ở dạng điện tử (qua mail hoặc đường liên kết); thẩm định hình thức; phản đối cấp đơn; phân biệt nhãn hiệu âm thanh và quyền tác giả….
 
Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Bảy giải đáp câu hỏi của đại biểu tại Hội nghị.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 798

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)