Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Tùng, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Đề án 844, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại Hội thảo Tinh hoa hội tụ - Kiến tạo môi trường thúc đẩy sáng tạo và đổi mới. Hội thảo do Làng tác động xã hội và Làng tư duy thiết kế đổi mới sáng tạo (ĐMST) tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội ĐMST quốc gia kết hợp với tuần lễ ĐMST và khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (TECHFEST - WHISE 2023) tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/11/2023.
Theo ông Trần Văn Tùng, người Việt Nam có nhiều ý tưởng sáng tạo. Các nhà sáng chế cần được sự ủng hộ của xã hội, sự đồng hành của doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ họ hiện thực hóa ý tưởng. Ông Trần Văn Tùng bày tỏ mong muốn mô hình này ngày càng được lan tỏa bằng sự quan tâm của doanh nghiệp để giúp những sáng chế có thể phát triển thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, biến ý tưởng thành sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Ông Trần Văn Tùng, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Đề án 844, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo.
TECHFEST - WHISE năm nay quy tụ 34 làng công nghệ trong đó có những làng công nghệ mới nhằm giải quyết vấn đề của các lĩnh vực nhiều tiềm năng như nông nghiệp thông minh, dược liệu sạch, chuyển đổi số... Các hoạt động ĐMST mở cũng được thúc đẩy phát triển ngay trong hoạt động của các làng công nghệ thông qua hoạt động tự đặt đề bài, thách thức và có các giải thưởng thúc đẩy và tạo động lực cho các sáng kiến công nghệ từ đó xây dựng tâm thế chủ động, hiệu quả nhằm phục vụ đúng nhu cầu của chính quyền, thị trường, doanh nghiệp nội địa và quốc tế.
Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, những năm qua thông qua các chuỗi sự kiện TECHFEST với quy mô ngày càng lớn, sự tham gia của các làng công nghệ ngày càng nhiều, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp và sự phát triển hệ sinh thái ngày càng quy mô. Ông Trần Xuân Đích bày tỏ tin tưởng, cộng đồng khởi nghiệp luôn tìm tòi các ý tưởng mới, sáng tạo giúp phát triển hệ sinh thái vững mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo.
Bà Dương Thị Kim Liên, Trưởng làng Tác động xã hội cho biết: Chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu đưa các ý tưởng có giá trị đến với những nhà đầu tư và đồng hành cùng các dự án để hỗ trợ nguồn lực giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Chia sẻ tại Hội nghị, các chuyên gia cho rằng để kiến tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST phát triển có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra. Đó là tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp ĐMST; gắn lĩnh vực này với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cộng đồng, cá nhân. Đặc biệt, phải khuyến khích những ý tưởng mới, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Quan trọng hơn, cần tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, sản phẩm mới; phát triển đồng bộ hệ thống ĐMST quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, trường đại học, học viện, “vườn ươm sáng tạo”… Cùng với đó là quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST từ Nhà nước, khối tư nhân, quỹ đầu tư, tập đoàn, tổ chức quốc tế.