GS.TS. Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm Chương trình KX.05/21-30; ông Lê Tài Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; ông Nguyễn Thành Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên đồng chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến đổi mới và hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới; đổi mới và hoàn thiện thể chế bảo đảm thực hiện pháp luật hiệu quả, nghiêm minh và nhất quán; hoàn thiện thể chế phát huy vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa Việt Nam phục vụ phát triển đất nước trong điều kiện mới...
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm Chương trình KX.05/21-30 cho biết, Chương trình hướng đến mục tiêu nghiên cứu vấn đề lý luận cơ bản về thể chế, cấu trúc và mối quan hệ tương tác giữa các loại hình thể chế và phát triển; cơ sở lý luận xây dựng hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.
GS.TS. Hoàng Thế Liên - Chủ nhiệm Chương trình KX.05/21-30 phát biểu tại Hội thảo.
Theo GS.TS. Hoàng Thế Liên, trong thời gian qua, vấn đề vướng mắc trong thủ tục, quy trình và thanh toán khi triển khai nhiệm vụ KH&CN được nhiều nhà khoa học đề cập. Bộ KH&CN đã nhận thấy những vướng mắc và rà soát cơ chế liên quan để sửa đổi, bổ sung. Đây là bước phát triển mới tạo thuận lợi hơn cho các Chương trình.
“Chương trình kỳ vọng phát hiện các điểm nghẽn, tìm giải pháp đột phá để giải phóng nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong điều kiện mới. Mong rằng cơ quan, nhà khoa học sẽ tiếp tục đồng hành để tháo gỡ, chủ động nghiên cứu và đề xuất các vấn đề, khung Chương trình”, GS.TS. Hoàng Thế Liên cho hay.
Trong quá trình đổi mới, hoàn thiện cơ chế, GS.TS. Võ Khánh Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới. Theo đó, cần xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, vai trò làm chủ của Nhân dân. Cụ thể, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, có hệ thống, làm rõ những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế; dự báo xu hướng phát triển, xác định hệ quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tạo động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới.
TS. Hà Quang Trường - Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng, trong điều kiện mới, các động lực giúp phát triển nhanh và bền vững đất nước được xác định ở: vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc - cơ sở để phát huy sức sáng tạo của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; dân chủ xã hội chủ nghĩa và công bằng xã hội; kết hợp hài hòa các lợi ích, quan tâm tới lợi ích của con người, thúc đẩy phát triển nhân tố con người; giáo dục, KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số. Theo TS. Hà Quang Trường, đây là động lực quan trọng, nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hoàn thiện thể chế: sở hữu và quyền tài sản; đổi mới và hoàn thiện thị trường tài chính, KH&CN, dân chủ, quản trị địa phương, phát huy vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa Việt Nam phục vụ phát triển đất nước trong điều kiện mới... Các đại biểu đều nhấn mạnh vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Chương trình KX.05 phải hướng đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.