Thứ hai, 13/11/2023 15:30 GMT+7

Hội thảo quốc tế tổng kết Dự án hợp tác vùng IAEA/RCA RAS5087

Từ ngày 30/10 - 3/11/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo quốc tế tổng kết Dự án hợp tác vùng IAEA/RCA RAS5087, nhằm đánh giá kết quả thực hiện dự án, những bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển ứng dụng chiếu xạ thực phẩm trong thời gian tới.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án hợp tác vùng châu Á - Thái Bình Dương (RCA) của IAEA về thúc đẩy ứng dụng công nghệ gia tốc chùm điện tử (EB) và tia X (X-ray) trong chiếu xạ thực phẩm nhằm tăng cường an ninh lương thực, an toàn và thương mại thực phẩm.
 
 
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc Hội thảo.
Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các các đại biểu đến từ Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, New Zealand, Pakistan, Philippines, SriLanka, Thái Lan và Việt Nam. 
 
TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của IAEA trong việc thúc đẩy ứng dụng chiếu xạ thực phẩm ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua, từ dự án “Chiếu xạ thực phẩm” VIE-8-004, xây dựng cơ sở chiếu xạ gamma bán công nghiệp đầu tiên cho Việt Nam tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Đến nay, nhiều dự án trong lĩnh vực này đã được triển khai, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có ngành công nghệ chiếu xạ tương đối phát triển trong vùng RCA với 9 cơ sở chiếu xạ được phân bố trên khắp cả nước và 12 thiết bị chiếu xạ đa mục đích đầy đủ các loại hình chiếu xạ từ gamma đến EB và tia X, giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu dự án. 
“Vai trò của công nghệ bức xạ trong nền kinh tế và đặc biệt là chiếu xạ thực phẩm trong việc giảm tổn thất lương thực thực phẩm, hạn chế phát tán côn trùng, dịch bệnh… đảm bảo an ninh lương thực, kéo dài thời gian bảo quản, duy trì chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đã được khẳng định, công nghệ này sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới để giảm thiểu tác hại của dịch bệnh như đại dịch COVID-19”, ông Thành nhấn mạnh. Ông cũng tin tưởng rằng với sự tham gia của 18 quốc gia thành viên, Hội thảo sẽ đưa ra những khuyến cáo phù hợp để thúc đẩy ứng dụng chiếu xạ thực phẩm trong vùng và mỗi quốc gia thành viên.
Thay mặt IAEA, ông Gashaw Gebeyehu Wolde chân thành cảm ơn Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội trong việc xây dựng và dẫn đầu dự án, cũng như tổ chức Hội thảo. Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là trong năm Việt Nam làm chủ tịch RCA trong việc thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những sáng kiến mới giúp giải quyết các vấn đề cấp thiết như đảm bảo an ninh lương thực với các giống đột biến có năng suất cao, phẩm chất tốt, các quy trình xử lý chiếu xạ kiểm dịch để thúc đẩy xuất nhập khẩu trái cây, cũng như cung cấp thực phẩm chiếu xạ an toàn cho sự lựa chọn thông thái của người tiêu dùng. Sự đóng góp tích cực của các nước thành viên, đặc biệt là của 18 quốc gia tham gia hội thảo này chắc chắn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ gia tốc EB/tia X trong lĩnh vực chiếu xạ thực phẩm và công nghệ bức xạ nói chung. Với các kết quả dự án trong thời gian qua, chúng tôi tin rằng, trên cơ sở những đóng góp tích cực của các thành viên, Hội thảo sẽ thành công và có được những khuyến cáo giá trị cho IAEA và RCARO trong việc xây dựng và thực hiện các dự án mới trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ chiếu xạ EB/tia X trong thời gian tới cả ở quy mô quốc gia và khu vực.
 
Ông Gashaw Gebeyehu Wolde, Trưởng Ban Hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương, phát biểu tại Hội nghị. 
 
Ông Trần Minh Quỳnh chủ trì thảo luận về kết quả thực hiện dự án tại các nước thành viên. 
Tại Hội thảo, ông Trần Minh Quỳnh, điều phối viên dẫn đầu dự án đã tổng kết các hoạt động, kết quả và hiệu quả dự án trong vùng, nhấn mạnh các kết quả đạt được từ phía Việt Nam trong việc phát triển ứng dụng xử lý chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi trên máy gia tốc EB (Vinagamma, Công ty chiếu xạ Toàn Phát). Các kết quả dự án không chỉ giúp tăng gấp đôi số lượng thiết bị chiếu xạ EB/tia X trong vùng mà còn tăng hơn gấp đôi lượng thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp được xử lý chiếu xạ trong vùng so với trước khi thực hiện dự án. Ông cũng cảm ơn các thành viên, nhất là Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Myanmar và Thái Lan đã nỗ lực để thúc đẩy ứng dụng công nghệ EB/tia X cũng như chiếu xạ thực phẩm trong vùng; đồng thời khuyến khích các quốc gia chưa có thiết bị chiếu xạ công nghiệp như Lào, Mông Cổ, Nepal… xây dựng các dự án hợp tác để tiếp nhận công nghệ và thiết bị từ những nước đã phát triển mạnh về chiếu xạ thực phẩm như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. 
 
Đoàn IAEA tham quan công ty chiếu xạ An Phú (APIRA) và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (HIC). 
Trong khuôn khổ Hội thảo, các thành viên đã được tham quan thiết bị chiếu xạ EB/X-ray tại Công ty Chiếu xạ An Phú, cơ sở Bắc Ninh và máy chiếu xạ gamma tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Tại mỗi cơ sở, đoàn đã được nghe báo cáo về phát triển ứng dụng chiếu xạ thực phẩm, quan sát quy trình xử lý chiếu xạ từ sắp xếp sản phẩm vào thùng hàng chiếu xạ, vận chuyển trên hệ thống băng tải và giá treo vào buồng chiếu và bảo quản hàng hóa sau khi chiếu xạ. 
 
Các thành viên dự án nghe báo cáo và thảo luận về quá trình ứng dụng chiếu xạ thực phẩm tại HIC. 
Thay mặt thành viên dự án, ông Carl Micheal Blackburn, chuyên gia phụ trách kỹ thuật (Technical Offical) của dự án đã chủ trì phần thảo luận. Đoàn IAEA nghe báo cáo và thảo luận về ưu nhược điểm của từng loại hình chiếu xạ, khả năng ứng dụng chiếu xạ thực phẩm bằng máy chiếu tia X với mức năng lượng tối đa 7,5 MeV để cải thiện hiệu quả chuyển hóa sang tia X của máy gia tốc EB. Các thành viên dự án đã khẳng định vai trò của công nghệ gia tốc trong xử lý chiếu xạ, và đồng ý tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện, hiệu quả này trong các lĩnh vực thực phẩm, nông, công nghiệp, y tế và xử lý môi trường thông qua dự án hợp tác vùng RCA/NNSA giai đoạn 2024-2028.
 
Ông Carl Micheal Blacburn chủ trì thảo luận định hướng phát triển chiếu xạ thực phẩm. 
Sau gần 5 ngày làm việc, Hội thảo đã đưa ra kết luận đánh giá cao vai trò của Việt Nam, quốc gia dẫn đầu dự án, sự nỗ lực phát triển ứng dụng công nghệ tại các nước thành viên; khuyến cáo các nước thành viên cho phép sử dụng máy chiếu tia X năng lượng 7,5 MeV cho chiếu xạ thực phẩm; tổ chức CODEX sửa đổi một số quy định liên quan, và đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ vùng thúc đẩy ứng dụng công nghệ gia tốc, đầu tư thiết bị chiếu xạ EB/tia X cho một số quốc gia chưa có thiết bị nhằm tăng cường ứng dụng chiếu xạ thực phẩm, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và thúc đẩy thương mại thực phẩm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Gashaw Gebeyehu Wolde đã đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các thành viên trong việc đưa ra những khuyến cáo giúp IAEA đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ. Ông cảm ơn các nước thành viên đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu dự án và mong muốn các thành viên sẽ tiếp tục tham gia các dự án liên quan trong thời gian tới. Ông Gashaw Gebeyehu Wolde bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến nỗ lực của Việt Nam, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đặc biệt là Ban Tổ chức trong việc phối hợp xây dựng chương trình tham quan kỹ thuật và tìm hiểu văn hóa bản địa. Ông tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển công nghệ chiếu xạ vùng RCA. 
Thay mặt Ban Tổ chức và nước chủ nhà, ông Trần Minh Quỳnh đã có phát biểu bế mạc và dành lời cảm ơn đến IAEA, nhất là ông Gashaw Gebeyehu Wolde và Carl Micheal Blackburn đã đóng góp cho dự án và Hội thảo, đồng thời cảm ơn Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã hỗ trợ Ban Tổ chức hoàn thành nhiệm vụ.  

Nguồn: Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội

Lượt xem: 1040

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)