Phát biểu tại Hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tỉnh Bắc Giang”, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình đã nhấn mạnh như trên.
Hội thảo do Sở KH&CN Bắc Giang phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN tổ chức ngày 11/11/2023, nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất, năm 2023".
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu thế sản xuất tất yếu
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, Bắc Giang là một trong những tỉnh sớm ban hành kế hoạch “mỗi xã một sản phẩm”. Sau 5 năm triển khai Chương trình, đến nay Bắc Giang thuộc top đầu các địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời là dư địa lớn để thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Nguyễn Thanh Bình, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang còn gặp một số khó khăn như: vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, số lượng sản phẩm OCOP dù nhiều nhưng số lượng sản phẩm 4 sao trở lên còn ít, có ít sản phẩm được chế biến sâu…
Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, muốn phát triển thì cần thay đổi và tập trung vào một số hướng, trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu thế sản xuất tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng thành công các mô hình sản xuất được chứng nhận, tập trung vào các mô hình trồng trọt và mô hình chăn nuôi. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các mô hình, đề án như: vải, bưởi, cá, lúa, gà mía lai, ong… theo hướng hữu cơ.
Thứ hai, phát triển nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người, phát triển bền vững.
Thứ ba, quan tâm đến chế biến sâu, trong đó lựa chọn những sản phẩm có số lượng lớn, tập trung vào 8 sản phẩm chủ lực, 12 sản phẩm đặc trưng và 48 sản phẩm tiềm năng của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, muốn phát triển các sản phẩm OCOP cần tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang mong muốn, qua hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đóng góp ý kiến, hiến kế, đưa ra các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang và phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Gợi mở nhiều giải pháp khởi nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn, gợi mở, đưa ra giải pháp khởi nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP và xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; kinh nghiệm ứng dụng KH&CN, thúc đẩy khởi nghiệp trong sản xuất nông nghiệp; vai trò của truyền thông, quảng bá để thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST theo lĩnh vực; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST.
Ông Nguyến Thái Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, về số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang tính đến tháng 10/2023 là 255 sản phẩm, gồm: 31 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 224 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong 255 có 140 sản phẩm OCOP của các chủ thể là doanh nghiệp, HTX… có thời gian thành lập mới trong 1 năm trở lại đây, cho thấy tinh thần khởi nghiệp trong Chương trình OCOP là rất cao.
Để nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động thúc đẩy, khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp khu vực nông nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Thái Trường cho rằng, Bắc Giang cần tập trung triển khai một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, truyền cảm hứng khởi nghiệp, trong đó chú trọng truyền thông trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội và các hoạt động khởi nghiệp ĐMST, chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn; Xây dựng chính sách hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp và lồng ghép chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vào các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh như nông nghiệp và du lịch; Tổ chức cuộc thi tuyển chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi; tuyên truyền, hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Đồng thời kết nối nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi từ quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…
Ông Lương Văn Thường, diễn giả của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN thảo luận về xây dựng hệ sinh thái mở hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững và bảo tồn văn hóa với phương pháp tiếp cận giao dịch theo đồng tiền thông minh (SMC); phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp - du lịch; kinh nghiệm phát triển mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Bắc Giang. Qua đó hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp mới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cảm ơn các đại biểu đã chia sẻ, đóng góp những kinh nghiệm quý, tâm huyết, giải pháp hiệu quả trong phát triển sản phẩm OCOP và phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến tham luận đã gợi mở nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Qua đó góp phần để các đơn vị chuyên môn tham mưu, đưa ra những định hướng chính, giúp các sản phẩm OCOP phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng gắn với mỗi địa phương, mỗi làng nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, giúp nông dân làm giàu ngay trên quê hương mình.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN phát biểu tại Hội thảo.
Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là một hướng đi đúng đắn, bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm an toàn phục vụ dân sinh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.